Tiền tệ thời Nguyễn (Phần 3)

13/06/2017
Bài liên quanTiền tệ thời Nguyễn (Phần 1)
                        Tiền tệ thời Nguyễn (Phần 2)
                        Tiền tệ thời Nguyễn (Phần 4)

     Nguyên liệu sử dụng để đúc tiền theo tỷ lệ thành phần như sau: cứ 100 cân nguyên liệu thì có 49 cân đồng đỏ, 45 cân kẽm, 6 cân chì, đúc thành tiền được 37 quan 8 tiền. Đó là loại tiền đồng nặng 5 phân 5 ly, còn 100 cân kẽm nguyên liệu phải đúc được thành tiền 41 quan, mỗi đồng nặng 5 phân. Nhưng sau thống nhất cả 2 loại đều nặng 6 phân.

     Tháng 4 năm Nhâm Ngọ (1822) Minh Mạng thứ 3, bắt đầu đúc loại tiền lớn, nặng 1 đồng cân trở xuống, 9 phân 1 ly trở lên, theo tỷ lệ thành phần kim loại cứ 100 cân nguyên liệu thì có đồng đỏ 52 cân 4 lạng, kẽm 47 cân 8 lạng, thiếc 4 lạng.

     Cùng lúc này có lệnh cho Cục Bảo Tuyền ở Bắc thành hủy tiền đồng Tây Sơn, đúc tahnhf tiền Minh Mạng thông bảo loại nhỏ nặng 6 phân, theo tỷ lệ phần kim loại như sau: Cứ 100 cân nguyên liệu thì dùng 52 cân tiền Tây Sơn, 27 cân đồng đỏ, 20 cân 14 lạng kẽm và 2 lạng thiếc. Tỷ lệ này đến năm Minh Mạng thứ 6 đổi lại như sau: tiền đồng Tây Sơn 90 cân, đồng đỏ 5 cân, kẽm 5 cân. Cũng năm này còn có lệnh cho cục Bảo Tuyền lấy ở kho loại tiền cũ của nhà Thanh 3.113 quan 4 tiền để đúc thành tiền của ta, theo tỉ lệ thành phần kim loại. Cứ 100 cân nguyên liệu thì dùng 98 cân tiền nhà Thanh và 2 cân kẽm.

     Các tỷ lệ thành phần kim loại trên đây coi như thành lệ để pha trộn làm nguyên liệu đúc tiền. các vua kế tiếp như Thiệu Trị, Tự Đức khi mới lên ngôi đều ra lệnh cho Cục thông bảo ở Hà Nội (Cục Bảo Tuyền ở Bắc thành được đổi thành cục thông bảo tỉnh Hà Nội) đúc thêm tiền mới mang các hiệu Thiệu Trị thông bảo và Tự Đức thông bảo. Nhân dân Gia Định nói riêng, Nam Bộ nói chung chỉ tiêu dùng đến tiền Tự Đức thông bảo là ngừng vì kể từ 1859 rồi 1872, vì toàn lãnh thổ đã đặt làm thuộc địa của Pháp, sẽ có loại tiền tệ khác thay thế.

     Việc đúc tiền là độc quyền của Nhà nước, thời nào cũng thế. Do đó mà khi Gia Long mới lên ngôi, hạ lệnh đúc tiền “Gia Long thông bảo” thì đồng thời cũng ban hành điều cấm túc trộm tiền. Vua cho rằng từ khi Tây Sơn nổi dậy, trong dân có nhiều người đúc trộm tiền, đồng tiền mỏng quá, bèn hạ lệnh cấm. Kẻ nào vi phạm lệnh cấm thì bắt sung tượng phường (bắt làm thợ suốt đời ở các cục tượng của Nhà nước), tài sản tịch thu sung công. Người nào phát giác và tố cáo với nhà chức trách đúng sự thực sẽ được thưởng 100 quan tiền. Lệnh cấm này được áp dụng mãi mãi về sau.

     Ngoài việc đúc tiền, các vua nhà Nguyễn còn cho đúc các thoi vàng và đỉnh bạc. Tháng 10 năm Nhâm Thân (1812) Gia Long thứ 11. Nhà vua bảo bộ Hộ rằng: Chế định tiền bạc là để giàu nguồn của và cho dân đủ dùng. Trước kia Nhà nước đúc đỉnh bạc trung bình, đỉnh 10 lạng ngang tiền 28 quan, gần đây đều đã thông dụng.  Nhưng đem bạc đổi tiền, hay đem tiền đổi bạc, đều dùng đỉnh 10 lạng làm hạn; nên khi số xuất nhập không đến mức đó thì bất tiện. Vậy sai đúc thêm đỉnh bạc để ban hành, dùng bạc đủ tuổi nặng 1 lạng, đúc thành khối 6 mặt đều in dấu và chữ, mặt trên vân tròn, mặt dưới vân vuông, một mặt in 4 chữ “Gia Long niên tạo”, một mặt in 4 chữ “Tinh ngân nhất lạng”, một mặt in 3 chữ “Trung bình hiệu”, một mặt in 6 chữ “Trị tiền nhị quan bát mạch. Người nào đúc trộm thì lấy luật đúc trộm tiền để trị tội.

     Nhà nước chi phát, nhân dân đem nộp, người buôn bán đổi chác, thì cứ giá đỉnh bạc tring bình 10 lạng ngang giá 28 quan. Đỉnh bạc mới chế một lạng trị giá 2 quan 8 tiền. Tiêu dùng lẻ tẻ không đầy đỉnh thì lấy tiền bù cho đủ. Trường hợp không có bạc mà xin nộp tiền cũng là lệ phải nộp bạc mà xin lấy tiền nộp thay cả hay nửa phân cũng được. Phàm người đem bạc đủ tuổi đúc thành 10 đỉnh, mỗi đỉnh 10 lạng đổi cho nhà nước lấy đỉnh bạc có dấu và chữ rồi, thì phải nộp thêm tiền công thợ và tiền xem dấu chữ là 2 tiền cho Nhà nước, quan lại giám thu và thợ xem nhận, nếu dám ép buộc hay gây khó dễ thì sẽ bị trị tội theo luật.

     Về tỷ giá giữa vàng và bạc cũng được quy định như sau:  1 lạng vàng ngang giá 16 lạng bạc. Vàng của dân đổi lấy vàng của nhà nước thì nạp tiền ấn tích một quan.

     Tháng 6 năm Ất Hợi (1815) Gia Long thứ 14, nhà nước lại cho đúc phiên bạc trung bình, mỗi thoi nặng 5 đồng cân. 2 mặt đều in chữ, một mặt in 4 chữ “Gia Long niên tạo”, 1 mặt 6 chữ “Trung bình ngân phiến ngũ tiền”. Trị giá  mỗi thoi là 1 quan 4 tiền. Bấy giờ vua thấy bạc nhà nước đúc chỉ có đỉnh 10 lạng và đỉnh 1 lạng. Các cơ quan thu nộp khi có số lẻ thì không biết lấy gì mà trả lại được, nên mới sai Cục Bảo Thuyền ở Bắc thành đúc lại phiến (thoi) bạc này, và ban hành điều lệ thi hành gồm mấy điểm sau:

  1. Khi dân chúng có bạc lẻ đem đến trường đúc xin đúc bạc phiến, hoặc lấy bạc đủ tuổi đúc bạc làm phiến trung bình để đổi lấy phiến bạc nhà Nước, thì cứ mỗi 20 phiến Nhà đồ Bắc Thành được thu tiền in dấu là 2 tiền để chia cấp tiền công thợ, tiền vật liệu và tiền bổng lệ cho thợ, còn dư thì nộp vào kho.
  2. Các ngoại trấn Bắc thành, dân chúng có ai nộp bạc đỉnh 10 lạng chưa có chữa “trung bình”, người phục trách xét sắc bạc đủ tuổi, thì cũng thu nhận lấy bạc ấy chiếu lệ thu tiền ấn tích đem nạp lên thành.
  3. Cửa quan, bến đò đánh thuế hàng hóa, đều theo số tiền mà buộc đem bạc đỉnh, bạc phiến nộp thay. Số lẻ không đủ 1 quan 4 tiền trở xuống thì mới nộp bằng tiền.
Share :