Tiền tệ thời Nguyễn (Phần 1)

13/06/2017
 Bài liên quan: Tiền tệ thời Nguyễn (Phần 2)
                       Tiền tệ thời Nguyễn (Phần 3)
                       Tiền tệ thời Nguyễn (Phần 4)

   Khi Chúa Nguyễn mở đất tới Đồng Nai – Gia Định, nền thương mại của nước ta đã qua khỏi từ lâu chế độ trao đổi hàng hóa trực tiếp, mà đã tới thời đại mua bán. Phương tiện làm trung gian cho việc mua bán đó là tiền tệ. bấy giờ nước ta, kể cả xứ đàng ngoài chưa có tiền bằng giấy, mà chỉ có tiền bằng đồng hoặc các nén vàng, nén bạc, thoi vàng, thoi bạc.

     Loại vàng và bạc chỉ dùng cho nhà nước làm vật dự trữ hay để giao dịch với Chính phủ các nước. Tiền đồng mới là loại tiền tệ sử dụng rộng rãi trong dân chúng.

     Việc lưu hành đồng tiền cũng rất rộng rãi, không có luật lệ gì bó buộc cả. Có khi người ta dùng cả các loại tiền đồng của các triều đại phong kiến Trung Hoa xen lẫn với đồng tiền của các triều đại nước ra từ vua Lê Đại Hành trở đi.

     Khi chúa Nguyễn Hoàng vào trấn Thuận Hóa, vẫn dùng tiền đã lưu hành ở Bắc Hà. Dân chúng đống thuế cũng dùng các loại tiền ấy. Nhưng từ khi Trịnh Nguyễn cắt đứt liên lạc với nhau, sông Gianh là giới tuyến phân cách 2 miền, các chúa Nguyễn đã phải cho đúc lấy tiền để có đủ chi dùng trong xứ.

     Các đồng tiền niên hiệu Khai Nguyên Nhà Đường cùng với các đồng tiền niên hiệu Thuận Hóa và niên hiệu Tường Phù nhà Tống đều được đúc bằng thứ đồng thật tốt và đúc thật kỹ lưỡng, nên chôn dưới đất cũng không hư hỏng.

     Đồng tiền về đời nhà Tống phần nhiều có bốn chữ “Canh thân niên tạo” của nhà vua viết.

     Còn tiền của nhà Mạc đúc, thì ở giữa khoảng nhỏ có mấy chữ “ Thái bình yên pháp”, được lưu hành vào hạt Thuận Hoá.theo lễ cũ của nhà Nguyễn, người nào mới được lên ngôi chúa, thì cứ theo mẫu tiền cũ mà đúc, ở khoảng nhỏ đồng tiền cũng đề hai chữ “Thái bình”.

     Nhà Nguyễn cũng dùng đồng tiền cổ mang hiệu Khanh Hy của nhà Thanh.

     Những kẻ gian manh thường hay phá tiền đồng để làm các đồ vật, nên số tiền đồng cũ càng ngày càng hao hụt đi.

     Chúa Nguyễn Phúc Chu đã từng cho đúc tiền đồng, vì kỹ thuật còn kém nên hao phí rất nhiều. Đến đời chúa Nguyễn Phúc Khoát năm Bính Dần (1764), nghe theo lời người khách buôn người Trung Hoa họ Hoàng, mua kẽm của người Hòa Lan về đúc tiền, mở trường đúc tiền tại địa phận xã Lương Quân. Cứ 100 cân kẽm giá trị 8 quan tiền. Vậy ngoại trừ các phí tổn thất về nhân công và ăn uống, người ta còn được số tiền là 20 quan. Tính trong 3 năm Bính Dần (1746), Đinh Mão (1747) và Mậu Thìn (1746) số tiền đúc được là 72.396 quan.

     Về chữ và khuôn vành chung quanh đồng tiền, người ta dùng kiểu mẫu đồng tiền Tường Phù nhà Tống. Lúc mới đúc xong, đồng tiền trông có vẻ dày dặn, bền bỉ. Tuy người ta có thể đốt tiền này được nhưng không bẻ gãy được. Sau lại đúc thêm tiền “Thiên Minh thông bảo”.

 

Tiền tệ thời Nguyễn (Phần 1)

Hình ảnh đồng tiền Thiên Minh thông bảo

     Lúc bấy giờ nhà nước lại bãi bỏ cái lệ cấm đúc tiền riêng, nhưng cũng ít người dám đúc lậu, cho nên công tư tiêu tiền kẽm cũng rất tiện lợi. Còn về tiền đồng người ta tích trữ lại không cho cấp phát ra nữa. Vì thế, khi quân Trịnh vào chiếm Thuận Hóa, tịch thu các kho công. Người ta tìm thấy số tiền sâu bằng lõi mây đến ngoài 30 vạn quan. Các thứ tiền này đã được lựa chọn cẩn thận, không lẫ lộn một đồng tiền xấu nào.

     Trước kia 1 đồng kẽm ăn 1 đồng tiền đồng, đến nay (1777) thì phải 3 đồng tiền kẽm mới đổi được 1 đồng tiền đồng., nhưng người ta không tin dùng tiễn kẽm. Cho đến những khách có thuyền buôn của các nước ngoài đều không muốn lấy thứ tiền ấy. Họ cứ đem gạo muối để đổi lấy vàng, bạc, hàng hóa tạp vật rồi dong thuyền đi nơi khác. Lại còn cái tệ những kẻ gian manh mua kẽm về, rồi đúc trộm tiền ở những nơi đầu non, eo biển hẻo lánh, không ai có thể khám xét, hỏi han đến.

     Những kẻ gian manh lấy kẽm bỏ vào nồi đất, đun lửa từ từ cho kẽm chảy ra, rồi lấy muỗng múc đổ vào khuôn đúc tiền. Đến khi lấy tiền ra, người ta chỉ xoay qua 1 vòng. Công việc rất là giản dị, ngay đến những người xóm giềng cũng không hay biết. Như vậy những kẻ làm việc phạm pháp kiếm lợi riêng không bao giờ chấm dứt được. Vì thế, ở trong những phiên chợ, người ta thấy những đồng tiền kẽm mới đúc thật mỏng manh nhỏ bé.

     Sau khi quân Tây Sơn mấy lần vào đánh Gia Định, kho tàng bị chiếm đoạt, đến năm 1788 Nguyễn Ánh khôi phục được Miền Nam, công khố hết sạch. Đồng tiền lưu hành trong dân chúng cũng giảm nhiều, trở ngại lớn cho việc thu mua lương thực, hàng hóa. Vì vậy năm Bính Thìn (1796) tháng Chạp, chúa Nguyễn Phúc Ánh cho thiết lập trường đúc tiền tại phái tây Chợ Sỏi trên đất làng Mỹ Hội, để đúc loại tiền đồng “Gia Hưng thông bửu”. Nơi ấy dân chúng quen gọi là xóm Trường Tiền, sau người Pháp lập sở công chánh ở điểm này, nên có tên gọi sở công chánh là sở Trường Tiền, nay ở bên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa.

     Theo lệ cũ của các chúa Nguyễn, các xứ phải nạp vàng bạc cùng với trầm hương và đồi mồi. Vàng hàng năm thu vào được 83 hoặc 84 thỏi, hoặc 80 hay 90 thỏi nghĩa là ở mức độ trên dưới 85 thỏi.

Giáp ngân là bạc hạng nhất thu vào có năm 24 thỏi, có năm 29 thỏi.

Dung ngân là loại bạc hình lá si thu vào 240 hoặc 248 thỏi.

Kê ngân là loại bạc hình con gà thu vào 10.100 đồng hoặc 10.400 đồng, có năm không thu được đồng nào cũng nên, vì không có tiêu chuẩn nhất định.

Share :