-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
13/06/2017
Bài liên quan: Tiền tệ thời Nguyễn (Phần 1)
Tiền tệ thời Nguyễn (Phần 3)
Tiền tệ thời Nguyễn (Phần 4)Trước khi có đồng tiền lưu hành mang hiệu “Gia Hưng thông bảo” thì trên đất Gia Định đã có lưu hành nhiều loại tiền của Chúa Nguyễn đúc, của vua Lê đúc ở ngoài Bắc Hà, các đồng tiền xưa từ đời nhà Lý, Trần, Hồ, Mạc và thậm chí cả tiền của các triều đại Trung Hoa.
Hồi xưa việc quản lý tiền tệ không chặt chẽ. Đối với người dân thì tiền nào cũng là tiền, vẫn tiêu dùng được, vẫn được tín nhiệm trong giao lưu. Bây giờ trên dất Gia Định còn lưu hành một loại bạc gọi là bạc Phiên, chắc là của phương Tây. Rất tiếc là chúng tôi chưa được đọc một tài liệu nào mô tả loại bạc ấy, có lẽ nó được đúc bằng bạc thật, được Nhà nước ta dùng để giao thương với ngoại quốc. Loại bạc này được sách sử của nước ta thỉnh thoảng nhắc tới. Chẳng hạn như:
Tháng 9 năm Đinh Mão (1807) Gia Long thứ 6, thuyền buôn của người Hồng Mao Kê Lê Mân đậu ở Đà Nẵng. Vua sai Tham tri bộ Hộ là Lê Viết Nghĩa và giám thành sứ Trần Văn Gọc tới dò ý họ đến làm gì…Kê Lê Mân bày tỏ rằng chủ tàu là Áp Bột Miệt Lăng trước đây buôn bán ở Gia Định bán nhiều sung ống cho Nhà nước, nay túng tiền xin tăng giá trả cho. Vua nói: bọn lái buôn giảo quyệt nước ngoài, đã lấy cớ túng thiếu mà kêu xin thì Triều đình ta giàu có bốn biển, há đáng so kè với chúng. Bèn sai cấp cho 21.000 đồng bạc phiên, rồi bảo đi.
Hoặc: tháng Chạp năm Canh Ngọ (1811) Gia Long thứ 10, sai Gia Định mua 700 cân trân fhoangf ở Chân Lạp. cua Phiên không chịu nhận tiền. Thành thần tâu lên. Vua nói: Trần Hoàng không phải là thứ chính cung của Chân Lạp. Sai phát cho 350 đồng bạc phiên để trả v.v…
Khi nhà Tây Sơn thành lập triều đại có đúc tiền và cho lưu hành khắp nước. Nhưng nhà Tây Sơn làm chủ đất Gia Định không được bao lâu, và khi Nguyễn Nhạc xưng đế ở Qui Nhơn và Quang Trung xưng đế ở Phú Xuân thì đất Gia Định đã hoàn toàn thuộc về kiểm soát của Nguyễn Ánh. Sự giao lưu giữa 2 vùng bị gián đoạn, chỉ còn những cuộc hành quân từ Nam ra Trùn chứ không còn chiều ngược lại. Do đó các đồng tiền do nhà Tây Sơn đúc như Thái Đức thông bảo, Quang Trung thông bảo, Cảnh Thịnh thông bảo không lọt vào được đất Gia Định.
Tuy nhiên ở miền Trung và miền Bắc, đồng tiền của nhà Tây Sơn được lưu hành rộng rãi. Khi Nguyễn Ánh dứt được nhà Tây Sơn, lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu Gia Long, lập ra triều đại các vua nhà Nguyễn, tiền Tây Sơn vẫn được lưu hành trong một thời gian, vì tiền mang niên hiệu các vua nhà Nguyễn đúc chưa kịp, chưa nhiều, chưa đủ số để đổi cho dân chúng tiêu dùng.
Bấy giờ tiền nhà Tây Sơn mới có dịp tràn vào đất Gia Định xen lẫn với tiền các vua triều Nguyễn qua con đường buôn bán, lương bổng của quan chức và binh lính. Lúc Gia Long mới lên ngôi,có lệnh cho phép dân chúng được lưu hành tiền Tây Sơn chỉ trong 5 năm là hết hạn. Nhưng trong thực tế, quá hạn 5 năm mà tiền Tây Sơn vẫn thu hồi chưa hết, dân chúng vẫn tiêu dùng với nhau. Vì vậy năm Minh Mạng thứ 3 (1822) nhà Vua phải xuống dụ cho quân thần rằng:
Khoảng năm Gia Long, có chuẩn cho dùng tiền Ngụy ( tức tiền Tây Sơn) trong hạn 5 năm, ngoài ra cấm chỉ không được dùng. Năm ngoái, trẫm đã ra lệnh cấm rõ ràng để hiếu dụ dân, nay đã mãn hạn thì số tiền của Ngụy ở dân thành vô dụng. Thiết nghĩ tiền của dân không có bao nhiêu mà ứ đọng lại không sinh lợi được, thì bữa sớm, bữa trưa tất phải thiếu thốn. Vậy trẫm ra lệnh, ai có tiền của Ngụy, được phép trong một năm, đến kỳ thu thuế, đem hết ra đổi lấy chế tiền (tiền vua đúc ra) mà nộp thuế. Cứ hai đồng tiền đồng của Ngụy đổi được 1 đồng Chế tiền, ba đồng tiền kẽm của Ngụy, đổi một đồng tiền Chế. Đến sang năm thì thôi, còn sự giao dịch chợ búa ở dân gian thì vẫn cấm như hạn đã định.
Nhà Tây sơn cũng có đúc các thoi bạc. Nhưng theo quan bộ hộ Bắc thành là Nguyễn Văn Khiêm thì thoi bạc của nhà Tây Sơn pha nhiều thiếc và kẽm, thậm chi có thoi không đủ phân lạng.
Tháng 5 năm Quý Hợp (1803) Gia Long thứ 2, bộ hộ Bắc thành là Nguyễn Văn Khiêm vào chầu, nhân tâu rằng việc binh cách, trong dân gian thiếu tiền, xin đúc thêm để nhà nước đủ dùng, nhưng quyền đúc tiền thì ở triều đình, nên có tiền mẫu thì mới tránh khỏi mối tệ. Vua nghe lời, bèn hạ lệnh cho bề tôi bàn về tiền Chế. Các quan đều nói: Ngày xưa các tiên vương tính tiền của mà định nặng nhẹ,nhà Chu đúc tiền lớn, nhà Tần đúc tiền bán lạng, nhà Hán làm tiền du giáp, đến Văn Đế lại đúc tiền tứ thù, đời sau lại làm tiền yêu, tiều ấu, hoặc nhân nhẹ mà làm ra nặng hoặc nhân nặng mà làm ra nhẹ, đều là tùy tiện ứng phó với sự cần kíp của dân mà thôi. Nay xin đúc đồng làm tiền, vành nên mỏng để tiện cho dân dùng. Vua cho là phải.
Dưới thời các vua nhà Nguyễn chưa có tổ chức Ngân hàng và kho bạc, việc đúc tiền, quản lý tiền, phân phát hay nhập kho đều do bộ Hộ phụ trách. Bộ hộ giao lại cho cơ quan tài chính trực tiếp trông coi, làm sổ sách theo dõi và trình báo theo kỳ hạn. Việc đúc tiền thì giao cho Cuộc đúc tiền lập ở Bắc Thành gọi là cuộc Bảo Tuyền, về sau gọi là cuộc Thông Bảo. Năm Minh Mạng nguyên niên lại đặt ở Kinh một cuộc đúc tiền nữa gọi là “Bảo hóa Kinh cuộc”. Công cuộc đúc tiền phần lớn được thực hiện ở cuộc Bảo Tuyền ở Bắc Thành, có lẽ do ở đây có nhiều thợ đúc lành nghề đã được cha truyền con nối từ nhà Lý đến nhà Lê. Còn ở Bảo hóa kinh cuộc thì nhiệm vụ chính là đúc các loại tiền làm mẫu, được chấp nhận theo hình dáng, chất kim loại, trọng lượng, kích thước, rồi chuyển ra cuộc Bảo Tuyền Bắc Thành đúc đại trà.
Mãi đến tháng 6 năm Quý Hợi (1803) thì bắt đầu đúc tiền Gia Long thông bảo. Sai cai đội Cáp Văn Cẩn trông coi công việc. Tiền đúc xong đưa 1.000 đồng ra Bắc thành để làm mẫu mà đúc theo cho đúng quy cách nhất định. Đồng tiền Gia Long thông bảo đường kính 5 phân 3 ly, mỗi quan tiền (gồm 600 đồng) nặng 2 cân 4 lạng. Tiền đúc bằng đồng, dùng khuôn sắt hay khuôn đất.
Hình ảnh đồng tiền Gia Long thông bảo
Tiền Gia Long thông bảo khởi đúc năm 1803, mãi tới năm Bính Tý (1816) Gia Long thứ 15 mới ban hành. Hạ lệnh cho các dinh trấn từ Quảng Bình vào Nam, phàm lương bổng và chi tiêu tiêu đều dùng tiền cả. duy dân gian nộp thuế vẫn cho nộp nửa tiền nửa bạc.
Ngoài loại tiền đúc bằng đồng, năm Gia Long thứ 11 (1812) nhà vua chuẩn y lời tâu cho phép nguời Hoa buôn bán ở phố hàng Buồm Bắc Thành, tự xuất tiền riêng mua kẽm theo mẫu tiền của Nhà nước mà đúc tiền, cứ nộp tiền kẽm 130 quan dổi lĩnh tiền đồng ở kho là 100 quan. Tiền, kẽm được định mỗi đồng nặng 7 phân, một mặt khắc 4 chữ “Gia Long thông bảo” một mặt khắc 2 chữ “thất phân”.
Mỗi quan tiền nặng 2 phân 10 lạng. Nếu đóng thành quan tiền (600 đồng tiền thành 2 xâu, mỗi bên 300 đồng) mà thiếu trọng lượng 15 đồng tiền trở xuống, người đưa tiền phải nộp thêm tiền cho đủ số 2 cân 10 lạng. nếu thiếu trọng lượng 16 đồng tiền trở xuống thì là tiền đúc quá mỏng, phải hủy đi, không được dùng.
Tháng 2 năm Canh Thìn (1820) Minh Mạng thứ nhất, bắt đầu đúc tiền “Minh Mạng thông bảo” bằng đồng và bằng kẽm. Cục bảo háo ở Kinh chế đồng tiền mẫu rồi gửi ra. Cục đúc tiền ở Bắc thành đúc đại trà.