Tiền tệ Việt Nam thời Pháp thuộc (Phần 3)

08/06/2017

     Bài liên quanTiền tệ Việt Nam thời Pháp thuộc (Phần 1)

                           Tiền tệ Việt Nam thời Pháp thuộc (Phần 2)

      ĐỒNG BẠC NGOẠI NHẬP

     Dưới thời chúa Nguyễn, một thuyền nhân Pháp là Pierre Poivre đi bộ từ bến cảng sông Hàn đến Phú Xuân, cầu cạnh với Trương Phúc Loan, xin chúa Nguyễn Phúc Khoát cho lưu hành đồng bạc mới – đồng Hispan của Tây Ban Nha. Thời gian này, Võ Vương vừa mới đúc tiền kẽm “Thiên minh thông bảo”.

     Vương chuẩn tấu với điều kiện đồng bạc phải được phủ Chúa khắc chữ định giá. Số bạc quá nhiều mà trong nội phủ lại thiếu thợ chuyên ngàng, thành thử việc thi hành chậm trễ. Cận thần Trương Phúc Loan đề nghị cho đổi 300 quan tiền đồng để lấy một số bạc tương ứng. tuy nhiên, công việc chưa được thực hiện, nên trong quyển nhật ký, Pierre Poivre khi đến xứ Đàng Trong năm 1749 đã ghi “dân chúng ở đây họ không biết giá trị đồng Piastre của chúng ta…”

     Vào những năm 1875 – 1880, nhiều thương thuyền Mỹ vượt Đại Dương đến miền Đông Á, ghé lại Hội An buôn bán. Những đồng Trade Dollar từ năm 1873 đến 1878 đã được tìm thấy rải rác trên đất nước ta. Đồng Trade Dollar của Mỹ cũng như đồng Dollar Britannique được đúc ra để lưu hành ở hải ngoại chứ không dùng trong lãnh thổ chính quốc. Đồng Dollar Britannique do thuyền nhân Anh đúc dập ở Bombay và Calcutra (Ấn Độ).

     Năm 1883, Bác sĩ Harmand – được Chính phủ Pháp cử làm Tổng ủy viên ký hòa ước Quý Mùi với triều đình Huế - đã cưỡng bức cho lưu hành các loại tiền Mexicana cùng các loại tiền do ngân hàng Đông Dương đúc trên toàn cõi Việt Nam song song với tiền đồng của triều đình Huế.

     Do đó, các thuyền nhân Pháp và Tây Ban Nha đã tải qua Vieejjy Nam một số lớn đồng Mexicana có giá trị hối đoái bằng 5,55 Francs Pháp và một Frans Pháp bằng một quan tiền đồng Việt Nam.

Đồng Mexicana gồm có:

- Đồng Reel (8 Reel), mặt sau có hình đốm lửa xòe.

- Đồng Peso, mặt sau có hình trái cân (1869-1873)

- Đồng Un Peso, mặt sau có hình bó lửa xờ.

     Mặt trước cả 3 loại tiền này hình con ó biển nên được gọi chung là “bạc con chim”, hay “đồng xòe”, đồng “trái cân”.

     Ngoài các đồng bạc đã đề cập ở trên, ta còn thấy các đồng Dollar Mỹ tiêu tại bản quốc trong thế kỉ 19, đồng Dollar Britannique, đồng Quang Tự, đồng Yen của Nhật  Bản…Lại nữa, các đồng bạc đúc tại Trung Quốc sau Cách mạng Tân Hợi cũng được tiêu xài lai rai trong nội bộ Hoa kiều đến năm 1930.

     Suốt 20 năm trường, các đồng bạc ngoại nhập được lưu hành chung với đồng Piastre de Commerce, nên trên hệ thống giấy bạc do NHĐD phát hành lần đầu, mặt trước được in ấn bằng hai lối chữ Anh và Pháp song song nhau:

Cent Piastres – Hundred Dollar.

Vingt Piastres – Twenty Dollar v.v…

     - Ngày 3/10/1905, bộ Tài chính Pháp ra Nghị định “Bắt đầu ngày 1/1/1906, cấm lưu hành trên toàn cõi Đông Dương các đồng bạc không do NHĐD phát hành”.

     Do đó, nhà nước Pháp đã cho in ấn trở lại hệ thống giấy bạc mới với cách tranh trí cũ, nhưng chỉ dùng một lối chữ Pháp, trình bày song song cả 2 bên như đợt in trước:

Cent Piastre – Cent Piastre

Vingt Piastre – Vingt Piastre

Và tất cả các loại giấy bạc đã phát hành đợt I cùng với những đồng bạc “ngoại nhập” ngay sau đó đã được thu hồi.

 

     ĐỒNG BẠC 1 – PIASTRE

      Ngày 31/05/1930, chính phủ Pháp ký sắc lệnh sửa đổi lại chế dộ tiền tệ các Ngân hàng thuộc địa. Sắc lệnh này ấn định giá trị đồng bạc mới “1 Piastre”, trọng lượng 20 gr, tương đương với 655 ly vàng – tức theo giá 10 Francs vàng.

     Sau đó, toàn quyền Pháp đã ký Nghị Định cho phát hành đồng bạc mới – “đồng 1 Piastre”, đúc ngày 12/08/1931. (Tuy vậy, trên thị trường Đông Dương chỉ có đồng 1 – Piastre năm 1931 lưu hành mà thôi).

     Đồng bạc này phụ thuộc vào đồng Francs bấp bênh trên thị trường nước Pháp.

     Sau khi đồng bạc mới ra đời, chính phủ Pháp ký sắc lệnh thu hồi đồng “de Commerce”, đồng thời in ấn rất nhiều các loại giấy bạc, phía trên có dòng chữ “Giấy bạc…đồng vàng” trong hệ thống giấy bạc mới:

Giấy bạc 1 đồng vàng

Giấy bạc 5 đồng vàng v.v…

     (Riêng giấy bạc 500 đồng vàng cùng hệ thống giấy bạc in tại nhà in IDEO – Hà Nội, mãi đên snawm 1942 mới được phát hành).

     Đồng bạc năm 1930 có giá trị bằng 655 ly vàng lần hồi sụt giá theo thị trường Pháp. Đến tháng 3/1940, đồng bạc chỉ còn 233,4 ly vàng. Như vậy, kim lượng chỉ còn 35% so với năm 1930.

     Đồng bạc 1-Piastre lần hồi cũng vắng bóng. Trên thị trường Đông Dương tràn ngập giấy bạc “Đồng vàng hữa danh vô thực”. Những người giàu có tìm cách cất giữ vàng bạc. Vào năm 1935, kinh tế khủng hoảng, đồng bạc quá mất giá, đồng 20 cents, 10 cents vừa giảm trọng lượng vừa pha trộn với kim loại xấu, chuẩn độ từ 0,900 xuống còn 0,680.

     Để cứu vãn nền kinh tế suy sụp, chính phủ Pháp liền cho đúc vào năm 1936 đồng 50 cents có giá trị về phẩm và lượng ngang với giá trị đồng bạc năm 1896. Các gia đình giáu có lại một phen hối hả tìm cách thu gom cất giữ. Vật giá tuy có hạ nhưng ít người mua. Đa số dân nghèo lại càng thất nghiệp, khốn cùng, đồng tiền rất khó kiếm, bữa ăn, bữa nhịn, mặc dầu:

“Gạo hẻo rằn mười lăm lon tộn,

Nếp Tiên Nộn mười bốn lon bằng…

Tọ - ti – tè, tọ - ti – tè…”

     Gạo và nếp noi trên là giá 1 hào (10 cents). Sự sinh hoạt trong gia đình “gạo đong từng bữa một”, sự mua sắm tính từ xu, từng đồng tiền nhỏ. Thị trấn nghèo làm thuê vác mướn mỗi ngày 12 xu, không thể nào mua được 1 bao gạo. Cuộc sống của nhân dân Sài Gòn cũng như trên toàn cõi Việt Nam lúc bấy giờ vô cùng khổ sở cho đến năm Ất Dậu (1945) nạn đói đã làm chết hàng triệu người Việt Nam.

 

  •  Nguyễn Văn Cường -
Share :