Đôi điều về sưu tập tiền cổ ở Việt Nam (Phần 1)

15/06/2017
Bài liên quanĐôi điều về sưu tập tiền cổ ở Việt Nam (Phần 2)

     Như đã biết Trung Quốc là 1 quốc gia rộng lớn với hàng tỷ dân, họ lại có truyền thống thưởng ngoạn và sưu tầm, sưu tập cổ vật nói chung từ hàng ngàn năm. Trong đó tiền cổ đã được họ lập trương trình đưa vào nhà trường thành 1 môn học.Với điều kiện dân trí như thế hẳn sẽ là chiếc thùng không đáy để chứa các sản phẩm loại này.

     Hơn thế theo thiết chế thời trung cổ: họ không được phép lưu giữ tiền tệ, để tiền đời trước tiêu được cả ở đời sau. Bởi sau mỗi triều đại , tiền cũ phải bị huỷ bỏ để đúc loại tiền mới đương triều, mặt khác họ không có thói quen chôn giấu tiền của như người Việt cổ, có chăng họ chỉ dùng tuỳ táng cho người quá cố song số lượng ít ỏi đó chẳng thấm tháp vào đâu so với nhu cầu hiện tại của họ.

     Nghĩ thì xót nhưng những cuộc ra đi của tiền cổ như nêu ở trên cũng được an ủi đôi chút, vì chắc chắn chúng còn được coi trọng chứ không chịu số phận hẩm hưu như chúng phải nằm lại ở Việt Nam, để bị đưa vào lò nung chảy ra, đúc thành những vật dụng khác…Kể cũng hơi quá nếu cứ nói tiền cổ Việt Nam lớn bé cứ bị đưa cả ra nước ngoài…

     Ở Việt Nam những người chơi sưu tập đồ cổ nói chung cũng đã có từ rất sớm tuy số lượng còn khiêm tốn, nhất là trong những năm gần đây do đời sống khá giả, số người có tiềm năng kinh tế đã mua về cho mình nhiều món đồ đắt tiền quý giá, thậm chí họ còn ra cả nước ngoài mua về với giá cả cao gấp nhiều lần trong nước. Nhưng điểm mặt số người chơi sưu tập tiền cổ lại quá ít, một phần cũng tại chữ nghĩa bất đồng, bởi ngày nay mấy ai đã thuộc chữ Hán, phần khác những đồng xu rỷ xanh, nhỏ tí, lại còn bị mục nát vì bị chôn vùi nơi xó xỉnh lâu ngày. Chúng đâu được hoành tráng, bóng bẩy như những đồ gốm sứ…Rõ ràng nhìn chúng không được bắt mắt, và chưa thể trở thành hàng hoá thì còn lâu chúng mới là đối tượng tiêu dùng.

     Có không ít những lời nhận xét, gán cho người chơi sưu tập tiền cổ: Nếu đầu óc không có vấn đề thì phải là loại người dũng cảm và tiềm năng lắm mới dám đến với thú chơi này. Qủa thực nếu không có niềm đam mê cháy bỏng thì không thể vượt qua được cửa ải này, đấy là nói đầy đủ theo đúng nghĩa đen của việc sưu tập, bởi cổ nhân đã đúc kết “Làm thì dễ, giữ lễ mới khó”

     Tuy là ít người chơi như thế nhưng xem ra cũng chẳng ai giống ai. Có người trong các lần đi sưu tầm cổ vật, gặp những mẻ tiền cổ. Lúc dăm ba cân, khi thì vài yến…Tiện chuyến đi anh ta đã mua về. Rồi tích tiểu thành đại. Trọng lượng đã lên tới cả tấn:Tiền ta ,tiền Tầu với đủ các chủng loại, lỗ rộng, lỗ hẹp, tiền đồng, tiền kẽm…Thôi thì đống lớn , đống nhỏ, hũ to, hũ bé. Anh ta xếp la liệt trong các tủ kính bầy đồ. Trông cũng hay mắt…Những người chơi sưu tập tiền cổ đánh giá: đó cũng là 1 cách chơi, không mất nhiều thời gian công sức cho việc sàng lọc tuyển lựa.Tuy chúng không nói lên được điều gì khác, ngoài ý nghĩa cổ vật. Nhưng còn hơn chúng bị biến thành đồng nát, rồi tống vào các lò hoả thiêu, hay bị đưa mất ra nước ngoài, để rồi vĩnh viễn không bao giờ quay trở lại.

     Có người tính thực tiễn chỉ chuyên sưu tập các loại tiền Việt Nam…nhưng trên con đường hoạn lộ anh ta mới thấy mình như đang đứng ở ngã ba đường, vì trên thực tế tiền cổ Việt Nam xuất hiện quá ít mà tiền cổ Trung Quốc lại xuất hiện quá nhiều (đấy là nói tới cả các loại tiền thông dụng) bỏ thì lãng phí, mà lưu giữ để chơi thì trái với tiêu chí. Nhưng đem bán thì cũng chẳng bõ vì có được nhiều nhặn gì đâu?

     Có người có tiềm lực kinh tế anh ta chỉ săn lùng những mẫu tiền quý hiếm, chính triều, sẵn sàng chấp nhận bỏ ra những món tiền lớn để có cho bằng được những mẫu tiền hiếm hoi đó, nhưng dở một nỗi: Lúc có hứng, lấy chúng từ trong két sắt ra để ngắm, nhưng khi sếp chúng đứng cạnh bên nhau, trông những mẫu tiền cứ khập khiễng thế nào? Nhìn bộ sưu tập có giá trị kinh tế cao ngất ngưởng mà chúng vẫn chẳng có hồn, vì đơn thuần chúng chỉ là đống của cải quý giá . Tiêu chí của một bộ sưu tập tiền đầy đủ đòi hỏi chúng phải có đời trước, đời sau nối nhau không ngừng nghỉ.

     Người thì linh hoạt hơn, anh ta sưu tầm tất cả tiền Ta, tiền Tầu và cả tiền Nhật Bản, Triều Tiên với đủ các loại: chính triều, không chính triều và cả “ tiền gián”gồm các chất liệu vàng bạc, đồng và kẽm…Đi theo hướng này có khá nhiều thuận lợi vì đối tượng các loại tiền cổ, những năm gần đây xuất lộ khá nhiều khi có đội quân thu gom, khai thác đông đảo, người chơi sưu tập tiền lại chưa nhiều. Lợi thế quan trọng nữa là tiền cổ xuất lộ ở Việt Nam rất phong phú về chủng loại. Thường trong mỗi hũ tiền có tới hàng chục thậm chí hàng vài chục triều đại nằm lẫn với nhau.

     Tiền cổ nói chung được chế tác bằng phương pháp thủ công truyền thống nên sẽ có rất nhiều khuôn đúc cùng thi công 1 lúc và đúc làm rất nhiều lần trong 1 đợt vì thế có rất nhiều các tự dạng khác nhau, tiện cho việc sưu tập, chọn lựa, sắp xếp và phân loại. Nếu may mắn và chịu khó 1 chút thì chỉ với 1 số vốn không nhiều, trong khoảng thời gian không lâu, anh ta đã có được bộ sưu tập khá phong phú về chủng loại và số lượng.

     Nhưng nếu để có cho được đầy đủ thì cách chơi này là hơi tham lam vì quá sức đối với 1 cá nhân… Thế là phải cố để hoà nhập vào luật chơi. Anh ta như bị lạc vào một chốn mê cung. Đường thì không bị tắc nhưng đi mãi, đi mãi vẫn chưa tới được điểm cuối cùng. Vẫn biết làm bất cứ việc gì đều phải dùng chữ “Nhẫn” nhưng trong chuyện này chỉ chữ nhẫn thì chưa đủ vì ngoài yếu tố chủ quan, con người ta còn chịu tác động cả những yếu tố khách quan.

 

Share :