Đôi điều về sưu tập tiền cổ ở Việt Nam (Phần 2)

15/06/2017
Bài liên quanĐôi điều về sưu tập tiền cổ ở Việt Nam (Phần 1)

     Có câu chuyện liên quan tới việc sưu tập tiền của một người. Năm nay cụ dễ tới ngót 90 tuổi, là người Hà Nội lại là nhà trí thức (cụ làm nghề giáo học)do hiểu biết và có vốn tiếng Hán, lại sẵn lòng đam mê, cụ bỏ công sưu tập tiền cổ từ những năm đầu thế kỷ 20.

     Vào thời điểm ấy việc sưu tập tiền cổ tương đối dễ, tuy chúng không phát lộ bằng các cách khai thác như bây giờ nhưng trong dân gian còn rất nhiều nhà lưu giữ được những mẫu tiền từ thời phong kiến, họ không hiểu biết nhiều về chúng nên thậm chí có thể xin, cho được…Cứ thế, mỗi ngày qua đi cụ cần mẫn bổ sung vào bộ sưu tập của mình những mẫu tiền cổ với đủ các chủng loại cả tiền Việt Nam và tiền Trung Quốc. Đến những năm 2003-2004 bộ sưu tập của cụ đã nổi tiếng trong giới sưu tầm.

     Các con cái cụ: trai, gái đủ cả, họ đều vương trưởng, có nghề nghiệp, công việc làm ăn và tất nhiên kinh tế khá giả…Nhưng rất tiếc chẳng ai nối nghiệp chơi của cụ vì đó chỉ là thú vui. Sở thích của mỗi người không thể gượng ép. Tuổi cao sức yếu nên cụ biết không thể giữ mãi chúng bên mình được. Động viên con cháu kế tục nhiều lần không xong, cụ viết thư tới các cơ quan quản lý chuyên ngành xin hiến tặng, đợi mãi cũng chẳng thấy hồi âm…

     Trăn trở tới vài năm cụ đành dứt ruột nhượng lại chúng cho những người sưu tầm…Khi trao đổi chuyển nhượng ai cũng nói lấy về để chơi; nên cụ nhượng lại mà gần như cho họ…Té ra họ đa phần là những thợ buôn…Và thế là biết bao năm với bao nhiêu mồ hôi công sức gom góp…những đứa con tinh thần của cụ bỗng chốc tan đàn xẻ nghé, làm cụ ngơ ngẩn mãi không nguôi…

     Những mẩu chuyện trên đã cho những người sưu tập tiền cổ nói riêng và tình hình tiền cổ ở Việt Nam nói chung thấy 1 tương lai không hề sáng sủa. Thực tế đúng là như vậy. Hoàn cảnh chung ở nước ta hiện nay như đã có nhà khoa học làm công tác lãnh đạo, quản lý 1 viện bảo tàng danh tiếng phải thốt lên trong 1 bài báo rằng: “…Với một quốc gia có lịch sử tiền tệ hàng ngàn năm…mà không có 1 bảo tàng tiền, thì thật có lỗi với tiền nhân và hậu thế…

     Tôi đã nhiều lần đề nghị với chính phủ giao cho ngân hàng nhà nước lập một bảo tàng tiền cổ, vì với đà buôn bán và thu mua tiền cổ với giá cả hấp dẫn của những tay chơi sưu tập tiền cổ nước ngoài tràn vào Việt Nam như hiện nay…thì chỉ vài năm nữa thôi nhà nước có chi nhiều tiền cũng không thể thu mua nổi. Nhưng lời đề nghị của tôi chỉ như hòn đá ném xuống ao bèo…

     ”Cũng phải thông cảm với các nhà chức trách trong khi họ đang phải lo đủ các vấn đề thiết yếu, nóng bỏng khác cho 1 xã hội vừa mới thoát khỏi cảnh lầm than qua bao năm chiến tranh giặc giã…Chắc chắn trong tương lai không xa các vấn đề bức xúc của nhà khoa học nêu trên sẽ được xúc tiến dù phải trả tới mức giá nào…!

     Chỉ có những người đã, đang và sẽ chơi sưu tập tiền cổ sẽ phải đối diện với những vấn đề thực tế trong bối cảnh hiện tại này, bởi vì họ là những cá nhân, họ phải bỏ ra của cải, mồ hôi công sức của chính bản thân và gia đình cho cuộc chơi. Họ phải tự chịu trách nhiệm cho sự đam mê của chính mình...Nên họ cần phải biết những điều gì đang diễn ra xung quanh, vì những điều đó sẽ cho họ những bước đi đúng đắn.

     Bức tranh tiền cổ ở nước ta hiện nay quả rất nhiều sắc thái chúng được những người chơi sưu tập tư nhân vẽ lên nhưng lại bằng những loại phẩm màu rất nhạy cảm, chẳng lấy gì làm bảo đảm chúng sẽ bền vững mãi với thời gian.

     Cho dù việc sưu tầm và lưu giữ tiền cổ ở Việt Nam trước bối cảnh trên sẽ gặp vô vàn khó khăn và thách thức, những khoảng trống về tiền tệ trong suốt triều dài lịch sử hàng mấy ngàn năm của dân tộc từ thời kỳ bắc thuộc , đến những giai đoạn tự chủ sau này. Hiếm có 1 quốc gia nào có phong cách, hệ thống sử dụng tiền tệ phức tạp như ở Việt Nam dưới thời phong kiến…

     Đó là những ẩn số rất cần có lời giải. Chắc chắn sẽ kích thích sự hiếu kỳ cho những người chơi sưu tập. Nên sẽ có những con người vẫn ngày đêm miệt mài với công việc ,nhẫn nại vượt qua những áp lực của cuộc sống… Bổ sung thêm vào bộ sưu tập nho nhỏ của mình những mẫu tiền mới.Và cố gắng đạp bằng những trở ngại để lưu giữ chúng.Vì họ luôn sẵn niềm tin “Rồi ngày mai trời sẽ sáng”…

     Họ sẽ được mọi người biết đến, và trân trọng những thành quả lao động của họ, đồng cảm và chia sẻ với những nỗi vất vả mà họ đang phải gánh chịu, giúp họ vượt qua mọi khó khăn, sưu tập được những bộ tiền cổ quý giá, có giá trị lịch sử ngàn năm văn hiến của đất nước.

Share :