Xu bạc Ngoại thương: Nhật Bản mậu dịch ngân

22/06/2017

     Đồng Bạc Ngoại Thương Nhật Bản (Nhật Bản Mậu Dịch Ngân) được đúc ra sau Cuộc Duy Tân Minh Trị (Meiji Restoration), nhằm thúc đẩy giao thương với nước ngoài. 

 

Xu bạc Ngoại thương: Nhật Bản mậu dịch ngân

Thiên Hoàng Minh Trị (Ảnh chụp năm 1873)

Xu bạc Ngoại thương: Nhật Bản mậu dịch ngân

Thương Cảng Nhật Bản thời Minh Trị

     (*) Minh Trị Duy Tân (明治維新 Meiji-ishin) hay Cải cách Minh Trị hay Cách mạng Minh Trị là một chuỗi các sự kiện cải cách, cách mạng dẫn đến các thay đổi to lớn trong cấu trúc xã hội và chính trị của Nhật Bản. Cuộc Duy Tân Minh Trị diễn ra từ năm 1866 đến năm 1869, một thời kỳ 3 năm chuyển đổi thời kỳ hậu Edo (thường gọi là Hậu Tokugawa Shogunate) và bắt đầu thời kỳ Minh Trị.

     Mặt trước của đồng tiền mô tả con rồng Nhật Bản đang giữ viên ngọc châu - vật thể hiện được bản chất tâm linh của vũ trụ, do đó con rồng điều khiển được gió, mưa, và thậm chí cả sự di chuyển của các hành tinh, và nó bảo vệ chúng khỏi những kẻ ác nhăm nhe chiếm được quyền năng. 

     Người ta có thể để ý thấy rằng: trong khi con rồng biểu tượng của Hoàng Đế Trung Hoa luôn luôn có 5 móng vuốt thì rồng Nhật Bản lại chỉ có 3 ngón chân. Sự khác biệt này được giải thích rằng: Ở Nhật Bản cũng như ở Trung Quốc, Hoàng đế được cho là con của rồng, truyền thuyết xa xưa của người Trung Hoa kể rằng con rồng có nguồn gốc từ Trung Quốc và bị mất ngón chân khi nó đi xa hơn, cho đến khi họ không thể đi được nữa. Đây là lý do tại sao con rồng Hàn Quốc có 4 móng vuốt và rồng Nhật Bản còn có 3 ngón chân. Nhưng có một sự cạnh tranh thời gian dài giữa Trung Quốc và Nhật Bản, và tại Nhật Bản người ta nói rằng con rồng thực sự đến từ Nhật Bản, và móng vuốt nhiều hơn khi nó đi xa hơn... 

     Đồng xu được đo bằng hệ thống Grain: 1 ounce [oz] = 437.5 grain = 28.35 grams, bởi vậy khối lượng của đồng xu nặng 420 grain tương đương 27.22 grams, đường kính 38.58 mm và 900 FINE tương đương với 90% bạc. Các dòng chữ Hán mang ý nghĩa: Đại Nhật Bổn Minh Trị [năm trị vì] Niên, ví dụ:

Năm 1875 - Đại Nhật Bổn Minh Trị Bát Niên

Năm 1876 - Đại Nhật Bổn Minh Trị Cửu Niên

Năm 1877 - Đại Nhật Bổn Minh Trị Thập Niên

Xu bạc Ngoại thương: Nhật Bản mậu dịch ngân

     Mặt sau thể hiện biểu tượng hoa Cúc 16 cánh giống như Mặt Trời đang tỏa chiếu là biểu tượng của hoàng gia. Hoa cúc được xem là loài hoa cao quý, tượng trưng cho phẩm chất tốt đẹp và sự trường thọ. Chúng chỉ xuất hiện trong cung đình và các gia đình quý tộc thời xưa. Hai nhánh cây Hông và Cúc đan vào nhau. Cây Hông (Paulownia) là biểu tượng cho chính phủ Nhật. Ở giữa là dòng chứ Hán: Mậu Dịch Ngân.


Xu bạc Ngoại thương: Nhật Bản mậu dịch ngân


     Đồng tiền này chỉ được đúc trong 3 năm (từ 1875 đến 1877) với số lượng không nhiều nên khá hiếm trong bộ sưu tập của đa số người chơi.

Nguồn tham khảo của Nhà Sưu Tầm: Nguyễn Văn Phúc

Share :