“Vua tiền cổ” xứ Bắc

13/06/2017

     Trong giới sưu tầm cổ vật ở Bắc Ninh, nhà sưu tập Nguyễn Văn Thạo-phường Suối Hoa, thành phố Bắc Ninh được biết đến như một “Vua tiền cổ” xứ Kinh Bắc. Không chỉ sở hữu khá đầy đủ đồng tiền Việt cổ qua các thời kỳ lịch sử; bộ sưu tập của Nguyễn Văn Thạo còn thể hiện những nét khái quát bức tranh kinh tế xã hội nước Việt qua các triều đại phong kiến cũng như trong giai đoạn xây dựng CNXH ngày nay.

 “Vua tiền cổ” xứ Bắc

     Từ năm 1993 khi còn làm việc tại công ty xây dựng Thủy lợi 1 Bắc Ninh, niềm đam mê gắn bó với tiền cổ đã giúp Nguyễn Văn Thạo khám phá ra nhiều điều lý thú. Quyết định xin nghỉ việc không lương để dành thời gian cho việc sưu tầm, học hỏi nghiên cứu, anh đã dần kiến tạo cho mình một “gia tài” đồ sộ. Và cũng từ đó, những đồng tiền cổ như mối lương duyên đưa anh đến với nhiều hội nghị, hội thảo khoa học và trưng bầy, triển lãm về tiền Việt Nam.

     Nghề chơi nào cũng lắm công phu, theo anh Thạo, yêu cầu quan trọng đối với người sưu tầm là trình độ kiến thức, tài chính và sự quyết toán. Bởi lẽ đồng tiền qua các thời kỳ ngoài giá trị vật chất sử dụng còn hàm chứa những yếu tố văn hóa tinh thần của xã hội đương thời. Điều này thể hiện qua chất liệu, nét thư pháp in trên đồng xu (với tiền kim loại) và hoa văn trang trí (với tiền giấy). Mỗi đồng tiền đều ghi niên hiệu các triều vua, do vậy tiền cổ được đúc to nhỏ, xấu đẹp hay nặng nhẹ đều biểu đạt đặc trưng nhất chế độ thích ứng với sản xuất và tiêu dùng của một xã hội.

    Để có được sự đồng bộ, người sưu tầm cần có sự hiệu chỉnh chính xác, thậm chí là bổ khuyết những kiến thức lịch sử xã hội thông qua việc nghiên cứu, tìm hiểu từ chính các đồng tiền cổ. Đơn cử một số loại tiền cỡ lớn như “Tiền thưởng” được vua ban; “Tiền chúc” dùng để mừng gia chủ khi lên nhà mới, chúc thọ ông bà phú quý khang ninh; “Tiền nhà phật”; “Tiền bùa” dùng trong thuật phong thủy để trấn trạch, trấn yểm phòng ngừa vận hạn. Các đồng tiền này luôn được giới sưu tập dày công tìm kiếm.

     Đặt chân vào “thế giới tiền cổ” trong căn nhà ba tầng khang trang ở phố Nguyễn Huy Tưởng phường Suối Hoa, chúng tôi thực sự choáng ngợp trước gia tài của Nguyễn Văn Thạo. Hàng loạt các đồng tiền cổ được sắp đặt theo trình tự thời gian, từ thời Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần… cho đến thời Nguyễn. Các hũ tiền xu trưng bày ngay ngắn, tạo cảm giác thư thái cho người thưởng thức. Trong số này chúng tôi đặc biệt ấn tượng với đồng tiền Thuận Thiên Đại Bảo của vua Lý Thái Tổ. Cùng với đồng tiền Thái Bình Hưng bảo thời vua Đinh Tiên Hoàng, đồng Thiên Phúc Trấn Bảo thời vua Lê Đại Hành (Tiền Lê), đồng Thuận Thiên Đại Bảo ra đời đã đánh dấu một kỷ nguyên mới của nước Đại Việt-kỷ nguyên độc lập tự chủ, xây dựng nhà nước phong kiến trung ương tập quyền, thoát khỏi vòng kìm tỏa của các thế lực phong kiến phương Bắc.

     Nhà sử học Phan Huy Chú trong bộ sách “Lịch triều hiến chương loại chí” đầu thế kỷ 19 đã cho rằng “Các đồng tiền kim loại của Việt Nam phát hành từ thời Lý đến thời Lê Trung Hưng đã đạt đến trình độ khu vực, có thể sánh ngang với đồng Khai Nguyên Thông Bảo của nhà Đường-Trung Quốc”. Là biểu tượng của vương triều nhà Lý, đồng Thuận Thiên Đại Bảo còn chứa đựng trong nó nhiều ý nghĩa mỹ học, được các nhà sưu tầm tiền cổ đương thời đánh giá cao về vẻ đẹp tinh tế cùng chất liệu bền, dẻo dai, trường tồn qua năm tháng.

     Từ đồng tiền đầu tiên “Thái Bình Hưng Bảo” thời vua Đinh Tiên Hoàng cho đến “Bảo Đại Thông Bảo”-thời Nguyễn, đơn vị tiền tệ cuối cùng của các triều đại phong kiến Việt Nam, bộ sưu tập của Nguyễn Văn Thạo tiếp tục được mở ra với các đồng tiền giấy của nước Việt Nam mới trong thời đại Hồ Chí Minh. Năm 2006, Nguyễn Văn Thạo là tác giả chính tham gia biên soạn cuốn sách “Kho báu tiền cổ Đại Việt” do Bảo tàng Lịch sử Việt Nam phát hành dành làm quà tặng cho các nguyên thủ quốc gia tham dự hội nghị APEC tổ chức tại Việt Nam cuối năm 2006.

     “Gia tài” của Nguyễn Văn Thạo còn có mặt tại festival Bắc Ninh tháng 4-2010, trưng bầy tại gian hàng của Ngân hàng Nhà nước chào mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội. Tháng 5-2011, bộ sưu tập tiếp tục trở thành tâm điểm chú ý của quan khách tại Hội nghị thường niên lần thứ 44 Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) do Ngân hàng Nhà nước đăng cai tổ chức từ ngày 3 đến 6-5-2011 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia khi tham quan triển lãm “Thành tựu ngành Ngân hàng Việt Nam qua các thời kỳ”.

     Đón xuân Nhâm Thìn 2012 năm nay, du khách thập phương có dịp du xuân trẩy hội miền quan họ ngày 10 tháng Giêng Âm lịch sẽ được trải nghiệm cùng bộ sưu tập tiền cổ nước Việt qua các thời kỳ lịch sử dân tộc của nhà sưu tập Nguyễn Văn Thạo trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh. Đây thực sự là món quà xuân giàu ý nghĩa mà “Vua tiền cổ” xứ Bắc dành tặng bạn bè và đông hội gần xa.

Theo Bắc Ninh Online

Share :

Viết bình luận của bạn