Tiền tệ 300 năm Sài Gòn - TP.HCM giai đoạn từ 1985 - 1954 với Ngân hàng Đông Dương 1874 – 1954

08/06/2017

     Ngày 17/2/1859, liên quân Pháp – Tây Ban  Nha bắn phá thành Gia Định, hôm sau chúng chiếm được thành và phố thị Bến Nghé.

     Ngày 8/3/1859, Rigault de Genouilly cho đặt 32 ổ chốt mìn phá tan thành trì, dinh thự, kho lẫm cũng số lương thực đủ nuôi 8.000 quân suốt 1 năm và số tiền quan trị giá 8 triệu franc. Có lẽ 8 triệu franc là giá trị vừa thóc gạo, khí tài và tiền quan, vì tiền quan ở kho triều đình cũng chỉ giữ tới mức 2-3 triệu quan thôi (đương thời trị giá mỗi quan là 1 franc và mỗi quan là 1 chuỗi gồm 600 đồng tiền).

     Ở Gia Định xưa, trước khi bị pháp xâm lăng, đơn vị chính của tiền tệ là đồng quan, (mỗi quan gồm 10 tiền, mỗi tiền là 60 đồng). Mỗi đồng tiền có thể mua được một chén nước trà và một miếng trầu. Lương tối thiểu cho dân phu hoặc lính tráng thường là một vuông gạo (khoảng 28-30 ký) và một quan tiền (đủ tiêu 1 tháng, “một quan tiêu tốt đi chợ” mua được rất nhiều thứ). Song đồng quan thì nặng nề và cồng kềnh, chỉ dung ftrong việc thanh toán nhỏ. Khi phải chi tiêu lớn,người ta dùng lạng vàng hay lạng bạc; lạng bạc là chính (nặng khoảng 37-38gr tương đương với 10 đồng tiền đồng). Mỗi lạng bạc trị giá tùy thời từ 2-4 quan. Ngoài ra, Sài Gòn khi ấy có nhiều thương mại quan hệ với nước ngoài, nên đồng bạc Mễ Tây Cơ (ta gọi là bạc phiên hay bạc Con Ó) được phổ biến dùng làm phương tiện thanh toán.

 

Tiền tệ 300 năm Sài Gòn - TP.HCM giai đoạn từ 1985 - 1954 với Ngân hàng Đông Dương 1874 – 1954|T&T Numis

Hình ảnh: Đồng bạc con cò (con Ó)

 

     Pháp chiếm Gia Định – Sài Gòn rồi, không biết lấy tiền đâu – tiền quan và tiền Con Ó – để trang trải chi phí và các khoản tiếp quản lương thực. Pháp đành nhờ Hoa kiều làm trung gian đổi chác giữa các loại tiền franc bằng vàng –bạc để lấy tiền quan và đồng bạc Con Ó. Cuộc khủng hoảng về tiền tệ kéo dài khá lâu. Pháp đơn phương ra quy định ngày 3/9/1863 cho giá:

  • Một nén vàng nặng 1kg = 3.127,67 francs
  • Một nén bạc nặng 1 kg  =    200,70 francs
  • Một quan tiền (ta)          =        1      francs

     Quy định đó cũng không giả quyết được khủng hoảng, vì giữa quy định lý thuyết với thực tế thị trường xa cách nhau lắm, lại luôn luôn biến đổi.

     Hy vọng giải quyết tận căn vấn đề, Pháp ra sắc lệnh ngày 24/6/1874 cho thành lập Ngân Hàng Đông Dương (NHĐD) với đặc quyền phát hành tiền tệ.

     Ngày 9/3/1878, Pháp cho đúc Đồng bạc thương mại (piaster de commerce) có chuẩn tương đương với đồng trade dollar Mỹ cũng đang được lưu hành khi ấy, tức nặng 27,215 gr có độ chuẩn 900/1000 bạc. Pháp hy vọng đồng bạc thương mại sẽ đánh bại đồng Con Ó (nặng 27gr với độ chuẩn 9027/10.000), nhưng vì thói quen người ta vẫn thích dùng đồng Con Ó hơn.

     NHĐD còn được đặc quyền phát hành bạc giấy theo sắc lệnh ngày 21-1-1875. NHĐD liền cho phát hành các loại giấy 1.000 – 500 – 100 – 20 – 5 francs. Việc thanh toán trong xã hội càng thêm phức tạp; vì đông thời tồn tại nhiều thứ tiền tệ: bạc Con Ó, trade dollar Mỹ, bạc thương mại Pháp, franc Pháp, quan tiền ta, v.v…

     Từ năm 1885, NHĐD đúc thêm đồng bạc Xòe (bà đầm xòe tiêu biểu cộng hào Pháp) tức bạc thương mại cũ, cùng với bạc lẻ 5- 2 -1 hào. Một hào là 10 xu, một đồng bạc là 100 xu, 1 xu được đúc (khi ấy dùng phương pháp rập rồi) bằng đồng 5 xu bằng kền. Khi ấy 1 xu ăn được 1 bữa quà sáng.

Tiền tệ 300 năm Sài Gòn - TP.HCM giai đoạn từ 1985 - 1954 với Ngân hàng Đông Dương 1874 – 1954|T&T Numis

Hình ảnh: Đồng bạc đầm xòe 1885

 

     Đồng ĐD bằng bạc, franc Pháp bằng vàng, nên hối suất luôn thay đổi theo giá vàng -  bạc như:

  • Năm 1886: 1 đồng bạc ĐD ăn 4,2 fr Pháp
  • Năm 1890: 1 đồng bạc ĐD ăn 3,9 fr Pháp
  • Năm 1897: 1 đồng bạc ĐD ăn 2,7 fr Pháp
  • Năm 1902: 1 đồng bạc ĐD ăn 1,9 fr Pháp
  • Năm 1914: 1 đồng bạc ĐD ăn 2,4 fr Pháp
  • Năm 1916: 1 đồng bạc ĐD ăn 2,8fr Pháp
  • Năm 1919: 1 đồng bạc ĐD ăn 4,5 fr Pháp

     Sự thay đổi hối suất giữa thuộc địa với chính quốc gây ra nhiều xáo trộn và thiệt thòi cho dân chúng. Chỉ có NHĐD có lợi nhất trong tình huống vô trật tự của nền hối đoái vô cùng phức tạp này.

     Sắc lệnh ngày 31- 5- 1930 (đương thời kinh tế khủng hoảng trầm trọng) bãi bỏ chế độ ngân bản vị của tiền tệ ĐD mà chuyển sang chế độ kim bản vị như đồng franc Pháp, tuy vẫn gọi do thói quen là đơn vị đồng bạc. theo đó một đồng bạc ĐD nặng 0,695 gr vàng với độ chuẩn 900/1.000 và ăn 10 franc Pháp (cùng trọng lượng và độ chuẩn như trên). Một lần xáo trộn nữa: trên tiền giấy ghi “ có thể đổi lấy vàng”.

     Năm 1940, đồng franc Pháp từ 0,0695 gr vàng hạ xuống còn 0,02334 gr vàng, tức mất 35/100 trị giá. Khi ấy, NHĐD phải phát hành thêm nhiều tiền giấy và “đình chỉ lệ đỏi tiền giấy ra vàng”. Như vậy, đồng bạc ĐD đã từ bỏ cả ngân bản vị lẫn kim bản vị. Sau đây là tình hình lưu hành của giấy bạc ĐD (đơn vị: triệu đồng)

 

 

 

1913 : 32

1914 : 29

1915 : 31

1916 : 33

1917 : 35

1918 : 40

1919 : 50

1920 : 75

1921 : 92

1922 : 84

1923 : 98

1924 : 93

  1925 : 109

 

 1926 : 124

  1927 : 130

  1928 : 142

  1929 : 146

  1930 : 120

  1931 : 102

1932 : 93

1933 : 91

1934 : 95

1935 : 88

  1936 : 113

  1937 : 151

  1938 : 174

 

 

 

1939 : 216

1940 : 280

1941 : 347

1942 : 494

1943 : 740

   1944 : 1.344

   1945 : 2.631

   1946 : 3.190

   1947 : 2.936

   1948 : 3.497

   1949 : 3.843

   1950 : 4.755

   1951 : 6.311

 

     Như vậy, khối tiền giấy lưu hành tăng lên gàn 200 lần từ 1913 đến 1951. Các loại tiền giấy 100đ (hình cái đỉnh) – 20đ – 5đ – 1đ và các giấy tiền lẻ, 5 hào, 2 hào và 1 hào. Nhiều khi thiếu tiền lẻ, người ta xé đôi tiền giấy nhỏ để thanh toán! Cũng như xưa kia đã chặt đôi đồng bạc Con Ó.

     Tháng 9-1945, quân đội Tưởng Giới Thạch vào bắc Đông Dương để giải giới quân đội Nhật Bản, mang theo một số lớn giấy bạc quan kim và tự tiện quy định hối suất 1 quan kim ăn 1,5 đồng ĐD. Cùng thời gian đó, đội quân Viễn chinh Pháp tái xâm nhập Sài Gòn, mang theo nhiều giấy bạc 100đ có hình đỉnh đồng mới in bên Pháp. Pháp cũng định lại hối suất 1 đồng ĐD ăn 17francs (tức 1 USD ăn 7 đồng ĐD). Đầu năm 1946, chính phủ VNDCCH cho phát hành các loại giấy bạc Cụ Hồ để đổi lấy giấy bạc ĐD, vì Pháp không chịu trao trả NHĐD cho phía VNDCCH.

     Chiến tranh Việt – Pháp bùng nổ từ cuối năm 1946 tới khi Hiệp định Geneve vào tháng 7 năm 1954 sau khi Pháp bại trận Điện Biên Phủ. Theo một thỏa hiệp ngày 29/12/1954 giữa Pháp và 3 nước Cam Bốt, Ai Lao và Việt Nam (phía Bảo Đại) thì đồng bạc ĐD bị bãi bỏ kể từ ngày 31-12-1954 để trở thành:

  • Đồng bạc VN (ĐVN) lưu hành tại Việt Nam (chính quyền Sài Gòn)
  • Đồng Riel lưu hành tại Cam Bốt.
  • Đồng Kip lưu hành tại Ai Lao.

Đến đây, NHĐD được coi như chấm dứt nhiệm vụ thực dân đế quốc, sau khi tồn tại đúng 80 năm (1874-1954) với bao thăng trầm và sự nghiệp tiêu cực cũng như tích cự - mà cần phải nghiên cứu sâu sắc hơn nữa mới mong rút ra được những bài học bổ ích cho hiện tại và tương lai.

 

-  Nguyễn Đình Đầu  -

Share :