Phương pháp nghiên cứu tiền cổ vùng Đông Nam Á (phần 2)

09/06/2017
Bài liên quanPhương pháp nghiên cứu tiền cổ vùng Đông Nam Á (phần 1)
                        Phương pháp nghiên cứu tiền cổ vùng Đông Nam Á (phần 3)

w NỀN TẢNG CỦA PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

     Qua quá trình sưu tầm, nghiên cứu chúng tôi nhận thấy vào thời phong kiến ở vùng Đông Á, bốn nước là Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản và Triều Tiên đều sử dụng chung một loại tiền đúc và không phân biệt, do đó không thể nghiên cứu được tiền cổ Việt Nam nếu không nghiên cứu thêm các loại tiền của một số nước cũng được lưu hành tại Việt Nam.

     Tuy vậy, cho đến nay vẫn chưa có sách nào hệ thống nên được một phương pháp nghiên cứu tiền cổ thật hoàn hảo. Vì vậy chúng tôi xin nêu lên vài ý kiến hy vọng góp phần vào vấn đề này…

     Các bước giám định

     1- Hiện vật nghiên cứu:

     Đây là điều kiện đầu tiên phải có mới nghiên cứu được, nếu không có hiện vật thì ít ra cũng phải thấy được hình ảnh chụp thật sự mới bảo đảm tính chân thật của nó. Chính vì vậy,chúng tôi nhận thấy một số công trình nghiên cứu tiền cổ còn tồn tại vài khuyết điểm sau:

     Hình ảnh công bố chỉ là hình ảnh vẽ, như vậy không bảo đảm tính chính xác của đối tượng nghiên cứu.

     Nghe một nhà sưu tập nào đó nói về một đồng tiền lạ nhưng không có hiện vật hoặc hình ảnh, cũng công bố như vậy là không có căn cứ.

     Sự công bố không bảo đảm tính chính xác của tư liệu làm lệch kết quả giám định, ngoài ra còn làm các nhà sưu tập hoài công tìm kiếm nhưng chẳng thấy “báu vật”.

     Nếu những đồng tiền cổ trên tư liệu sách vở công bố là hình vẽ, mà chúng quá hiếm không thể tìm thấy được nữa thì trước khi trích lại cũng cần bàn luận kỹ để loại trừ các khả năng vẽ sai do đọc nhầm.

     Nếu tiền cổ được tìm thấy trong các di chỉ khảo cổ được khai quật thì đó là cơ sở cho việc giám định tiền cổ, vì các tầng văn hóa và các hiện vật khảo cổ học khác là những chứng cứ quan trọng góp phần vào việc giám định tiền cổ. Quá trình tham gia thực tế này sẽ cho những kinh nghiệm quý báu để giám định những đồng tiền có hiệu lực.

     2- Hiệu của đồng tiền

     Sau khi có hiện vật thì việc đọc hiệu của đồng tiền là vấn đề mấu chốt, vì nếu không đọc được hiệu của đồng tiền thì không thể giám định được. Tuy vậy, đây không phải là vấn đề đơn giản, vì chữ viết gọn trong đồng tiền và đôi khi kỹ thuật đúc lại lược bớt nét viết gây đọc nhầm dẫn đến các hiện tượng sau:

     - Đọc nhầm hiệu tức là biến  một đồng tiền hiệu này thành một đồng tiền hiệu khác, thành ra đánh mất một hiệu tiền, lại công bố một đồng tiền khác không có trong lịch sử.

     - Đồng tiền bị gỉ hoặc mòn mờ không còn rõ, gây đọc nhầm, tác giả chụp không rõ hiện vật, đành vẽ lại thì đã vô tình công bố một đồng tiền khác hẳn.

     Thường các nhà nghiên cứu chỉ dừng lại ngang bước giám định này đã vội kết luận vị trí đồng tiền, do đó có rất nhiều nhầm lẫn khi giám định niên đại của đồng tiền, dó đó có rất nhiều nhầm lẫn khi giám định niên đại của đồng tiền.

     3- Phân biệt tiền thật và tiền giả:

     Phải xác định được hiện vật đang nghiên cứu là tiền thật hay tiền giả hiện đúc, vì nếu là tiền giả hiện đúc thì không còn giá trị nghiên cứu nữa.

     Vì hiện tượng giả có rất nhiều trường hợp nên chúng tôi đưa ra để tạm phân biệt:

     - Tiền giả cùng thời với tiền thật: tiền thường là do triều đình phát hành, nhưng cùng thời đại đó, các thương gia, tư nhân đã lén đúc các loại tiền đương triều, phần nhiều là tiền có chất lượng xấu, bị triều đình ghép tội “đúc giả”. Tuy thời đó cho là tiền giả, nhưng ngày nay vẫn có giá trị khoa học nhất định vì chúng ta là sản phẩm của một thời đại, một giai đoạn lịch sử nhất định.

    - Đời sau đúc trùng các hiệu tiền đời trước: có những vị vua chúa không lấy hiệu của mình để đúc tiền, lại đúc trùng với các hiệu tiền của những vua thời trước. như tiền Khai Nguyên thông bảo do Đường Cao Tổ đúc năm 621, nhưng các triều sau này đúc lại tiền này rất nhiều. Như vậy, về mặt giám định khảo cổ học thì không thể gọi là tiền giả mà cần phải xếp vào đúng năm đúc của nó.

    - Tiền giả hiện đúc: có những đồng tiền rất hiếm nên hiện nay đúc giả rất nhiều để bán cho các nhà sưu tập.

     - Mẫu tiền tự sáng tác: có nhiều niên hiệu trong lịch sử không có đúc tiền, nay các nghệ nhân đúc đồng đã tự sáng tác mẫu tiền mới để bán cho các nhà sưu tập theo dạng đồ cổ, nhưng xét về khảo cổ học thì chắc chắn phải gọi là tiền giả.

      Vì vậy, để phân biệt tiền thật với tiền giả thì phải nắm được đặc điểm của tiền thật và tiền giả, cần phải nắm được cả lịch sử phát triển tiền giả, các phương pháp đúc tiền thật và phương pháp đúc tiền giả. Để giám định được  điều này thì cần phải có nhiều kinh nghiệm mới phân biệt được.

      4- Phân loại tiền:

     Sau khi loại khỏi những đồng tiền giả, tiến hành phân loại tiền tức là phân ra tiền của nước nào, triều đại nào…? Muốn phân loại được thì phải nắm được lịch sử nói chung và lịch sử tiền tệ nói riêng; nét đặc trưng của thời đại và sự cá biệt của tiền tệ là nền tảng cơ bản để giám định tiền cổ. Dựa vào nét đặc trưng của thời đại để phân loại tiền thì rất nhiều cách:

     a/ Dựa vào chất liệu: từ các loại tiền bằng kim loại quý như vàng bạc, thì các loại tiền cổ thông thường bằng đồng, sắt, kẽm. thường được đúc bằng đồng, nhưng sắt và kẽm thì đặc biệt có thời đại của nó.

     - Tiền sắt: chỉ có thời đại Ngũ Đại đến cuối thời tống mới có tiền sắt. từ thời Nguyên về sau hoặc ở Việt Nam không có đúc tiền sắt. Do đó, khi gặp  phải tiền sắt thì biết ngay là tiền thời Ngũ Đại – Tống.

      - Tiền kẽm: trong lịch sử tiền tệ Đông Á, các triều đại trước thỉnh thoảng có đúc một vài đồng tiền kẽm, nay không còn nữa. Nhưng đến thời chúa Nguyễn ở Đàng Trong, thế kỉ 18 thì đặc biệt cho đúc nhiều loại tiền kẽm, ngày nay rất dễ thấy, do đó khi gặp phải chúng thig tạm xếp vào tiền của thời đại này.

     - Tiền bằng đồng đỏ: đầu thế kỷ 18, các chúa đã mua đồng đỏ của Nhật Bản đúc tiền để sử dụng tạo một hệ thống tiền bằng đồng đỏ có đặc điểm riêng biệt.

     - Tiền bằng đồng thau: phần lớn các loại tiền bằng đồng thau nhưng mỗi thời đại thành phần hợp kim của thau cũng khác nhau tạo chất đồng thau khác nhau. Yếu tố này cần kinh nghiệm cao mới phân biệt được.

     Một số nhà nghiên cứ nêu lên ý kiến dựa vào độ gỉ của đồng tiền để xác định thời gian, xem như một bước giám định tiền cổ. Điều này hoàn toàn không chính xác vì thực tế cho thấy có rất nhiều đồng tiền Khai Nguyên thông bảo đã hơn ngàn năm nhưng vẫn còn rất mới, trong khi rất nhiều đồng tiền Bảo Đại chỉ mới 50 năm gần đây, đã có gỉ dày cộm. Đó là do hoàn cảnh môi trường tác động lên đồng tiền chứ không có ý nghĩa về mặt thời gian. Tuy vậy, việc xem xét chất gỉ đã góp phần quan trọng trong việc phân loại tiền theo chất liệu: gỉ của tiền kẽm thì thường màu xám chì, gỉ của tiền sắt thì màu nâu gạch và xốp, mắt thường dễ nhận biết, gỉ của tiền bằng đồng đỏ thì thường một lớp mỏng màu nâu đen, còn gỉ của tiền bằng đồng thau thông thường mà xanh dương, xanh lục, và tùy theo mỗi trường chôn cất có khi lại lên màu gỉ đỏ, vàng, tím… 

Share :