Phương pháp nghiên cứu tiền cổ vùng Đông Nam Á (phần 1)

09/06/2017
     Bài liên quanPhương pháp nghiên cứu tiền cổ vùng Đông Nam Á (phần 2)
                              Phương pháp nghiên cứu tiền cổ vùng Đông Nam Á (phần 3)

      Tiền cổ, loại tiền được đúc bằng kim loại thông thường như đồng, sắt, kẽm…là những di vật thường gặp nhất là trong các di chỉ khảo cổ. Ở mặt đồng tiền có đúc chữ nổi mang niên hiệu của vua, do đó có thể tra cứu  được niên đại.

     Nhưng có trường hợp nhiều vị vua lại lấy cùng một hiệu và đều có đúc tiền làm chúng ta rất khó phân biệt. Lại cũng có trường hợp vị vua không lấy niên hiệu của mình mà lấy niên hiệu khác để đúc tiền nên việc giám định khó khăn, dễ nhầm lẫn. Ngoài ra, còn nhiều vị tướng hoặc chúa cho đúc tiền trong vùng căn cứ tự trị của mình…, các loại tiền này cũng dễ gây nhầm lẫn với các loại tiền của vua đúc.

     Do đó, việc nghiên cứu tiền cổ sẽ góp phần vô cùng quan trọng cho sự giám định di vật, di chứng hoặc di tích được khai quật. Ngoài ra, tiền cổ cũng phần nào phản ánh được chính trị lịch sử, văn hóa nghệ thuật và kinh tế xã hội thời bấy giờ.

     Trên tạp trí khảo cổ học số 1/1996 do Viện khảo cổ học Việt Nam phát hành, tôi đã có dịp sơ bộ giới thiệu phương pháp nghiên cứu tiền cổ và tạm giám định hệ thống tiền cổ Việt Nam. Hôm nay, qua nhiều năm tìm hiểu, thực tế bằng nhiều cuộc khai quật khảo cổ học và các báo cáo chuyên ngành, tôi tổng kết được nhiều kinh nghiệm mới và tiếp tục triển khai đề tài này…

  

v LỊCH SỬ VẤN ĐỀ

     Chính sử nước ta không có sách nào viết đầy đủ về tiền tệ mà thỉnh thoảng chỉ có một vài đoạn nói sơ lược về phép dùng tiền. Vào thời /gia Long, sử gia Phan Huy Chú soạn “Lịch triều hiến chương” loại chí. Khi viết về cách dùng tiền tệ, chính tác giả cũng nói: “Sách chép thiếu sót nên không thể khảo được tường tận, nay hãy tạm biên ra một vài điều  còn thấy chép trong sử để ghi lại.

     Ở nước ngoài, việc nghiên cứ tiền cổ đã có một ngành đôc lập gọi là “Tiền cổ học” (Numismatics) nhưng ở nước ta thì tiền cổ chỉ là một đối tượng trong lĩnh vực khảo cổ nói chung nên kết quả nghiên cứu chưa cao. Công trình này lại được các học giả nước ngoài nghiên cứu rất nhiều.

     Năm 1882, Edward Toda – một người Anh ở Thượng Hải cho in sách chữ Anh: “Nước An Nam và các loại tiền thông dụng”. Hiện vật được tác giả sưu tập khá nhiều và hình ảnh trong sách in rất đẹp nhưng chỉ là hình vẽ lại làm hiện vật không còn tính chân thật của nó. Một vấn đề cần được làm sáng tỏ là có một số loại tiền có hiệu lạ đã được tác giả tự ý giám định niên đại mà không một lời giải thích. Và những điểm này lại là căn cứ gốc cho các công trình nghiên cứu sau này, đều trích lại nhưng không sao chứng minh được.

     Năm 1895, một người Anh ở Hồng Kông là Stewart Lockart làm công trình ghiên cứu đồ sộ: “Tiền tệ vùng viễn Đông từ thời cổ đại đến năm 1895”. Sách nhiều hình ảnh, nghiên cứu công phu nhưng còn nhiều chỗ nhầm lẫn.

     Năm 1900, Désiré Lacroix, một người Pháp ở Sài Gòn công bố công trình “Tiền cổ học An Nam”. Sách gồm 2 tập: tập I là hình chụp các dòng tiền, còn tập II là lời giải thích về các đồng tiền ấy. Về mặt nghiên cứu, đây chỉ là công trình công bố trên cơ sở sách của Toda nên kết quả không có gì mới hơn.

     Năm 1905, một người Pháp khác là Albert Schrder công bố ở Paris một công trình lớn viết về “Đại Nam hóa tệ đồ lục”. Đây là một công trình khá lớn, tác giả có nghiên cứu cả lịch sử lẫn địa lý Việt Nam. Ngoài hiện vật đã được Toda công bố, tác giả còn công bố thêm nhiều loại tiền mới lạ tuy chưa giám định được. ngoài ra, tác giả còn nghiên cứu thêm kỹ nghệ đúc tiền và các loại kim khí khác…sách cho biết đã có hiện tượng đúc tiền giả.

     Năm 1940, TingFuPac (Đinh Phúc Bảo) một người Trung Quốc ở Thượng Hải công bố công trình nghiên cứu: “Cổ tiền học cương yếu”, gồm tiền cổ Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam. Đây là công trình có tính nghiên cứu cao vì hiện vật công bố được chụp thật sự, giám định khá chính xác nhưng vẫn có chỗ nhầm và có tiền giả lẫn vào. Sau đó tác giả tiếp tục nâng cấp công trình nghiên cứ để cho xuất bản thêm nhiều bộ sách khác như: Lịch đại cổ tiền đồ thuyết, Cổ tiền đại từ điển…

     Năm 1963, Fredrik Schjoth công bố ở Wisconsin (USA) sách viết về “Tiền tệ Trung Quốc và tiền tệ Viễn Đông”, rồi tại Kansas, tác giả Arthur Braddon Coole lại công bố “Những đồng tiền trong lịch sử Trung Hoa”. Đây chỉ là những công bố sưu tập giản đơn, do đó không có giá trị nghiên cứu.

     Năm 1966, một người Nhật là Miuria Gosen cho xuất bản bộ sách “An Nam tuyền phổ” bằng chữ Nhật gồm 3 phần:

     Phần “Lịch đại tiền bộ” công bố các đồng tiền đã được giám định theo niên hiệu, phần “Thủ loại tiền bộ” thì phân loại các đồng tiền chưa giám định được, và phần “Đại tiền ngân tiền bộ” công bố các loại tiền vàng bạc và các loại tiền lớn. sách có nhiều hiện vật nên có giá trị tham khảo tốt, song có một đôi chỗ dựa trên cơ sở của Toda nên vẫn có chỗ nhầm. đến năm 1975, tác giả tái bản lại bộ sách lần 2, công bố thêm nhiều sưu tập mới, nhưng tiếc thay lại lẫn thêm tiền giả mới đúc mà chúng tôi biết rất rõ…

     Năm 1973, Ogawa Hiroshi, một người Nhật khác in sách bằng chữ Nhật “Đông Dương cổ tiền, giá cách đồ phổ”. Sách chủ yếu dành cho các nhà sưu tập vì chỉ giới thiệu sơ lược và ghi giá các đồng tiền. Tuy sự giám định niên đại khá chính xác nhưng hiện vật chưa được phong phú.

     Năm 1985, Hội tiền tệ học Thượng Hải xuất bản sách “Giám định và bảo dưỡng tiền cổ” chủ yếu là tiền cổ Trung Quốc và có biểu thống kê tiền cổ Việt Nam. Vì không có hình ảnh tiền Việt Nam nên cũng khó nhận xét song chắc rằng sách này đã dựa trên cơ sở của Toda nên có rất nhiều chố nhầm và thiếu sót.

     Năm 1986, một chuyên gia Tiền cổ người Pháp ở Paris là ông Francois Thierry công bố bộ sách “Những bộ sưu tập tiền tệ Viễn Đông” gồm 2 tập, tập 2 gồm tiền Nhật Bản và Việt Nam. Sách in ảnh rất đẹp, song có nhiều chỗ nhầm lẫn giữa tiền Việt Nam và tiền Trung Quốc và có lẫn cả tiền giả vào. Sau đó, đến năm 1987, tác giả tiếp tục công bố “Danh mục tiền cổ Việt Nam” song hiện vật chưa được phong phú.

     Năm 1989, một nhóm người Mỹ là Chester L.Krause Clifford Mishler và Colin R.Bruce đã thống kê các loại tiền đúc trên thế giới. từ năm 1800 đến nay để in sách. Phần tiền cổ Việt Nam chủ yếu là tiền triều đình Nguyễn, song không tránh khỏi nạn tiền giả đổi tràn lan.

     Cùng năm 1989, một người Mỹ khác lafJohn A.Novak đã tổng hợp nhiều tư liệu trên thế giới để làm “Cẩm nang cho các nhà sưu tập tiền cổ Việt Nam” sách giới thiệu hầu hết  hình các loại tiền cổ đã lưu hành tại Việt Nam, nhưng điều đã tiếc nhất chỉ là hình vẽ lại. Sách cũng không giới thiệu chất liệu và kích thước các loại tiền, do đó khong có tình nghiên cứu, chủ yếu để tham khảo.

     Ngoài ra cũng còn rát nhiều nhà nghiên cứu khảo sát nữa, nhưng chúng tôi chưa tham khảo tác phẩm của họ nên không nhận xét được.

     Ở nước ta, trước đây cũng có vài tác giả như Vương Hồng Sển, Nguyễn Bảo Trọng…viết về tiền cổ, nhưng chỉ là vài bài báo đưa tin chứ không có tính chuyên khảo. Đến năm 1992, có tác giả Đỗ Văn Ninh ở Hà Nội xuất bản sách : :Tiền cổ Việt Nam”, sách bàn luận rất nhiều loại tiền, nhưng một đôi chỗ, chính tác giả cũng nói “chưa có một lời giải thích nào thỏa đáng.

Share :