-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
22/06/2017
Vua Gia Long thống nhất đất nước, sáng lập nhà Nguyễn, xếp đặt kỷ cương, chú trọng vào luật lệ và trật tự, để dễ cai trị. Các đồng tiền của Tây Dương lưu hành từ thế kỷ trước như các đồng Song Chúc và đồng Qủy Ðầu đầu tiên của vua Charles III đều được ấn định tỷ giá rõ ràng cho dễ mua bán.
Sử thần nhắc đến tiền Qủy Ðầu lần đầu tiên trong Ðại Nam Hội Ðiển Sử Lệ Gia Long năm thứ 16, Gia Ðịnh mua nộp bạc Quỷ Ðầu, mỗi phiến cân nặng hơn 7 tiền giá 1 quan 6 hoặc 1 quan 7 tiền. Vào triều vua Minh Mạng, sách Ðại Nam Thực Lục Chính Biên ghi chép về tỷ giá của tiền ngoại thương như sau Ðồng bạc Tây dương như Hoa Biên, Song Chúc, Quỷ Ðầu đều chia hai hạng định gía, loại lớn ăn 7 đồng cân 2 phân bạc, loại nhỏ ăn 2 đồng cân 8 phân bạc. Dưới triều Nguyễn, các đơn vị trọng lượng đo lường được quy định thống nhất trên toàn quốc.
1 Ðồng cân (còn gọi là tiền) gồm 10 phân, tương đương 3.7783 gram.
1 Phân gồm 10 ly, tương đương vớI 0.3778 gram.
Tính ra 7 đồng cân 2 phân bạc tương đương với 26.52366 gram bạc, gần giống trọng lượng của các đồng bạc Mễ tây Cơ và các đồng bạc ngoại thương vào cuối thế kỷ này. Cũng vì thế, vào đời vua Tự Ðức, sau khi quân Pháp xâm chiếm Lục tỉnh Nam Kỳ, Pháp đòi bồi thường chiến phí bốn triệu đồng. Vua đã sai lấy bạc đúc mẫu tiền Thất tiền Nhị phân (7 đồng cân 2 phân) trình Toàn quyền Pháp để trả nợ, nhưng Pháp đã không chấp nhận mẫu tiền này.
Tiền Quỷ Ðầu qua thế kỷ 19, đến đời vua Charles IV (1788-1808) được đúc ra hai loại mới hơn:
Loại 1: chỉ đúc trong hai năm 1789-1790. Tiền chỉ có điểm khác duy nhất là tên vua CAROLUS IV thay thế cho CAROLUS III, dù rằng vẫn là hình Charles III.
Loại 2: được đúc từ năm 1791 đến 1808. Tiền thay hình Charles III bằng hình Charles IV với hàng chữ CAROLUS IIII. Và đến đời vua Ferdinand VII (1808-1821), tiền Qủy Ðầu lại có 2 loại hình Ferdinand VII mặc chiến bào đúc từ năm 1808 - 1811 và mặc áo choàng đúc từ năm 1811 - 1821, với tên vua là FERDIN VII.
Ðến năm 1822, đồng bạc 8 reales của Mễ tây Cơ thay đổi hoàn toàn cách trình bày. Từ năm này, đồng 8 reales nặng 27.07 gram với hàm lượng bạc 0.903, có hình con ó và mặt kia có hình cái nón Libertad với tia sáng mặt trời chiếu quanh được sử dụng trong việc giao thương quốc tế. Ðồng tiền này được dân ta gọi là bạc hoa xoè hay bạc con cò hay điểu ngân.
Ca dao Việt Nam đã chứng tỏ đồng bạc này đi sâu vào đời sống của dân ta, như có câu:
"Cưới em bằng bạc con cò.
Ðâu phải hẹn hò, nói chuyện đẩy đưa."
Trước sự bành trướng xâm chiếm thuộc địa của người Anh quá nhanh chóng, từ Ấn Ðộ, Bengal, qua Mã Lai, Tân gia Ba; người Pháp e sợ sẽ không còn một thị trường nào ở Á châu cho họ. Duy nhất chỉ còn mỗi xứ Ðại Việt, là nơi thuận tiện cho việc mua bán, mà người Anh cũng đang cố gây ảnh hưởng. Người Pháp đã có manh tâm xâm chiếm Ðại Việt từ đó. Năm 1847, người Pháp khởi sự gây hấn với nước ta. Trung Tá Rigault de Genouilly mang tàu chiến La Victorieuse vào cảng Ðà Nẳng dâng thư phản kháng việc giết hại giáo sĩ với vua Thiệu Trị.
Trong khi chờ đợi thư trả lời, người Pháp thấy quân Việt tăng cường, bèn bắn phá các đồn lũy của ta, rồi bỏ đi. Cuối năm này, vua Thiệu Trị băng, vua Tự Ðức nối ngôi. Năm 1858, liên quân Pháp - Tây Ban Nha đánh Ðà Nẳng, và sang năm sau, Pháp chuyển hướng đánh thành Gia Ðịnh. Năm 1867, sáu tỉnh miền Nam rơi vào tay người Pháp. Ðến năm 1873, Pháp khởi sự gây hấn ở Bắc Kỳ. Hết hoà ước này đến hoà ước khác được ký kết với người Pháp để nhượng đất, nhượng quyền. Cho đến năm Qúy Mùi 1883, dưới thời vua Hiệp Hoà, hoà ước Qúy Mùi được ký kết giữa Chánh Sứ Trần Ðình Túc và Harmand công nhận sự bảo hộ của Pháp ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ.
Lực lượng viễn chinh Pháp và Tây Ban Nha tấn công thành Gia Định, tranh của Antoine Léon Morel-Fatio.
Hoà ước Qúy Mùi đánh dấu một vai trò quan trọng của đồng bạc Mễ Tây Cơ trong nền kinh tế của Việt Nam lúc đó. Dù rằng triều Nguyễn mặc nhiên cho sử dụng đồng bạc Mễ Tây Cơ, nhưng vẫn không có một văn kiện chính thức nào đề cập đến sự lưu hành của tiền này trong xứ. Nay điều thứ 27 của Hoà ước Qúy Mùi đã hợp thức hoá việc sử dụng đồng bạc hoa xoè, cán cân trên xứ Việt như sau: Ðồng bạc Mexicaine và tiền tệ bằng bạc của xứ Nam Kỳ sẽ cùng tiền tệ của Việt Nam được cưỡng bách lưu hành đồng thời khắp nước.
Mễ tây Cơ lại tung ra một loại tiền với đơn vị tiền tệ mới vào năm 1872, gọi là Peso, theo hệ thống thập phân. Tiền có trọng lượng và hàm lượng bạc như bạc hoa xoè, nhưng mặt tiền hình hoa xoè được thay bằng hình một thanh kiếm được tựa vào một cái cân. Ở Việt Nam, tiền này được gọi là bạc cán cân.
Ðồng peso của Mễ tây Cơ, sau năm 1900 lại thay đổi kiểu mẫu, trở lại với hình hoa xoè ngày trước, nhưng vẫn giữ đơn vị Peso. Tuy nhiên, người Pháp đã không cho tiền ngoại thương của các nước lưu hành trên bán đảo Ðông Dương, khi đồng bạc Piastre de Commerce của Pháp được ban hành.
Trong thế kỷ 19, vấn đề giao thương giữa các lục địa trở nên quan trọng cho việc phát triển kinh tế của các nước. Ðồng 8 Reales của Mễ tây Cơ dù rất được ưa chuộng ở Trung Hoa và các nước Á Châu nhưng bắt đầu bị cạnh tranh. Nguyên nhân vì khi đổi hay mua tiền 8 Reales cho việc giao thương, các nước khác đều chịu một khoản thuế độ 5% cho Mễ tây Cơ, nên họ quyết định đúc đồng tiền ngoại thương riêng dựa trên ngân bản vị (silver trade dollar), để tiện lợi trong việc mua bán của họ và tránh khoản thuế này. Ở Việt Nam, những đồng tiền ngoại thương của các nước khác cũng được sử dụng rộng rãi bên cạnh đồng 8 reales, đồng piastre của Ðông Dương và những thoi bạc của triều Nguyễn.
Những tiền sau đây được liệt kê chính thức đã lưu hành trên Việt nam trong hậu bán thế kỷ 19 gồm:
- Ðồng 1 dollar của Hồng Kông, nặng 26.9568 gram với hàm lượng bạc 0.900, có hình nữ hoàng Victoria và mặt kia có chữ Thọ thật to và hàng chữ ONE DOLLAR và HONG KONG vòng quanh.
- Ðồng 1 dollar của Mỹ, nặng 27.22 gram với hàm lượng bạc 0.900, có hình cô gái ngồi cầm nhánh ôliu với 13 ngôi sao vòng quanh, tượng trưng 13 tiểu bang đầu tiên. Mặt kia có hình diều hâu và chữ TRADE DOLLAR. Ðồng tiền này thường được gọi nôm na là bạc con gái hay còn được gọi là bạc ông lão , do cũng giống hình ảnh một ông già cầm nhánh lúa mì. Ðồng bạc ông lão đã đi vào lịch sử của Việt nam, khi nhà lãnh tụ Yên Thế Hoàng Hoa Thám bị người đồng chí cũ là Lương Tam Kỳ, đầu hàng giặc Pháp, âm mưu gởi người sát hại cụ Hoàng. Họ Lương đã ra điều kiện với Pháp trước khi thực hiện âm mưu ác độc. Một trong những điều kiện của Tam Kỳ là đánh đổi sinh mệnh của cụ Hoàng Hoa Thám một số lớn đồng bạc ông lão. Trong Ðại nam Hóa tệ Ðồ Lục, Albert Schroeder còn nhắc đến đồng 1 dollar bằng bạc Draped Bust, Gobrecht và Seated Liberty của Mỹ. Tuy nhiên, những tiền này do thủy thủ mang theo khi đến Việt Nam, chứ không phải là tiền ngoại thương của Mỹ.
- Ðồng 1 yen của Nhật Bản, nặng 27.220 gram với hàm lượng bạc 7.876, có hình con rồng với chữ TRADE DOLLAR, và mặt kia có chữ Hán mậu dịch ngân [đồng bạc ngoại thương] . Ðồng 1 yen NHẤT VIÊN [một đồng], lẻ ra chỉ dùng trong nước Nhật, nhưng thực sự đồng này được tiêu dùng trong nhiều năm ở Batavia.
- Ðồng 1 dollar của Anh, nặng 26.9568 gram với hàm lượng bạc 0.900, có hình nữ hải thần Britannia cầm thương, và mặt kia có hình hoa văn.
- Ðồng bạc 5 Franc hình Napoléon III của Pháp nặng 25 gram với hàm lượng bạc 0.900 đúc vào những năm 1861 tới 1870. Theo Stephen Tai, nhà sưu tập bạc thoi của Trung Hoa, có thư cho chúng tôi biết tiền 5 franc của Louis Philìppe II đúc trong những năm 1831 tớI 1860 cũng được tiêu dùng ở Trung Hoa. Nhưng chưa có một tài liệu nào nói về tiền này ở Việt Nam.
- Ngoài ra, còn có đồng bạc 4 Franc của Miên có hình vua Norodom I được kể đến, nhưng thật sự tiền này chỉ dùng làm quà biếu của vua Miên.Tiền này tương đối khá khó kiếm trong giới sưu tập tiền cổ.
Trong chuyến về thăm Việt Nam vào năm 1998, chúng tôi có dịp hầu chuyện với ông Nguyễn văn Cường ở Chi Lăng, Huế về tiền ngoại thương. Theo ông Cường, năm 1993, con cháu của gia đình quan Trần Tiến Thành ở Huế có đào được một hủ tiền, trong đó có đồng tiền Bỉ đúc từ năm 1741 đến 1759 và đồng tiền Tây ban Nha. Ông cũng nói đến những đồng tiền 5 Pesetas của Tây ban Nha vào cuối thế kỷ 19, đồng Nhất Viên của vua Quang Tự bên Trung Hoa và cả những đồng bạc đúc sau cách mạng Tân Hợi của Trung Hoa cũng được tiêu dùng ở Việt Nam.
Khi nói đến đồng tiền ngoại thương, giới sưu tập tiền cổ luôn bàn đến hai đặc điểm của chúng. Ðó là tiền bị đục và tiền bị cắt thành mảnh nhỏ.
Từ ngữ chop dollar, để chỉ hiện tượng có những dấu hiệu được đục khắc (chop) trên đồng tiền. Thời đó, có những tiền ngoại thương giả mạo với hàm lượng bạc kém hơn. Các thương nhân vùng Ðông Nam Á, nhất là Trung Hoa, sau khi đã kiểm định hàm lượng bạc của đồng tiền, thường đục một ký hiệu nhỏ trên đồng tiền. Khi đồng tiền này trở lại vào tay, họ chỉ nhìn thấy ký hiệu là không cần kiểm nhận độ bạc nữa. Những dấu hiệu này khác nhau theo từng hãng buôn, như hình chữ thập, chữ Thiên, chữ Sĩ, dấu tròn.. để dễ nhận dạng sau này. Có đồng tiền bị đục quá nhiều, đến không còn nhận dạng ra tiền gì nữa. Những đồng tiền chưa hề bị đục, được gọi là clean dollar. Ðã có một thời, tiền bị đục dễ được chấp nhận hơn tiền chưa bị đục.
Hiện tượng cắt tiền vào thời này, vì không có đủ bạc lẻ, người Á châu thường chặt đồng tiền bằng bạc ra làm hai, hoặc làm tư (một góc bạc gọi là bạc góc tư), hoặc làm tám (một góc bạc gọi là bạc góc tám). Tuy rằng tỷ giá đồng hoa xoè tương đương với đồng bạc đầm xoè của Pháp, nhưng vì Pháp không có đồng tiền 25 xu, nên bạc góc tư chỉ được xem tương đương như đồng tiền 20 xu của Pháp, thay vì giá trị thực sự là 25 xu. Cũng như bạc góc tám chỉ được xem như đồng 10 xu của Pháp, thay vì 12 xu rưởi. Một giác (từ chữ Hán nghiã là góc, 1/10 của đồng) là từ ngữ thường dùng ở Huế để chỉ 1 cắc (là 10 cent). Ngoài miền Bắc lại dùng từ ngữ hào.
Pháp chia Việt Nam làm ba xứ Bắc Kỳ (Tonkin), Trung Kỳ (An nam) và Nam Kỳ (Cochinchine), và được gọi chung với hai xứ Miên Lào là Ðông Dương thuộc Pháp (French Indochine). Ngày 21 tháng 1 năm 1875, Tổng Thống Cộng Hoà Pháp, Mac Mahon, ban hành đạo luật cho thành lập Ngân Hàng Ðông Dương. Năm 1885, Pháp tung ra thị trường đồng bạc ngoại thương PIASTRE DE COMMERCE . Ðồng bạc nặng 27.215 gram vớI hàm lượng bạc 0.900. Ðồng bạc Piastre của Ðông Dương có hình bà Marianne ngồi, biểu tượng của nước Pháp thời đó. Dân ta thường gọi là bạc đầm xoè hay bạc đầu hình.
Trong số phát hành vào dịp Xuân Tân Hợi 1971 của báo Ðuốc Nhà Nam, bài 50 đồng bạc của đời tôi của Ngoạ Long có nói đến bạc con cò là đồng Piastre de Commerce sau này. Ông đoán rằng vì hình bà Marianne cũng được đưa vào tem thư, người miền Nam hay gọi là con cò thay vì con tem, nên người ta gọi là bạc con cò chăng ? Ông cũng cho đây chỉ là một luận cứ, vì ông có được xem bộ sưu tập tiền của một nhà hiếu cổ, và ông đã thấy một đồng tiền có hình con cò thật sự (đồng điểu ngân của Mễ Tây Cơ ?). Ðồng điểu ngân vẫn được đúc qua thế kỷ 20. Ngoài ra trong những tác phẩm của ông Vương Hồng Sển, chúng ta vẫn thấy rải rác đó đây, ông Sển nhiều lần nhắc đến từ ngữ bạc con cò hay bạc con cò trắng , để chỉ đồng bạc Piastre này.
Tác giả xin trích ra giá cả của vài món hàng hóa trong thời Ðông Dương, để chúng ta hiểu về giá trị của đồng bạc thương mãi đầu hình. Tài liệu được trích rải rác từ những tác phẩm của ông Vương Hồng Sển như Hơn nửa đời hư, nửa đời còn lại và Sài gòn năm xưa.
1914: 1 ổ bánh mì không giá 4 xu. 1 Xu = 1/100 của Piastre, 1 ly cà phê sữa giá 6 xu.
1923: Lương giáo viên có bằng diplome (tiểu học) hay brevet (trung học) hằng tháng là 60 Piastre.
1924: 1 lít xăng giá hơn 20 xu một chút
1926: 1 ly bia bốc giá 20 xu, ăn điểm tâm ở nhà hàng Quảng Hạp, một tô cà phê lớn và một khúc bánh mì với bơ lạnh, ăn thả dàn giá 20 xu, ăn tối ở nhà hàng Yeng Yeng, khoai tây chiên và nguyên miếng bò steak loại Chateaubriand giá 80 xu, nửa miếng thì 40 xu.
Sau khi ngân hàng Ðông Dương ra đời, đồng tiền ngoại thương của các nước và đồng xu của triều Nguyễn dần dần bị thay thế bởi những đồng CENT, tờ bạc PIASTRE của ngân hàng Ðông Dương.
Tác giả: Lục Ðức thuận