Đồng tiền được phát hành năm 1879 tại Việt Nam (Phần 2)

08/06/2017
   Bài liên quan: Đồng tiền được phát hành năm 1879 tại Việt Nam (Phần 1)

 

 *  Qua phần khảo tả trên, có thể thấy, đây là đồng tiền do thực dân Pháp đúc vào năm 1879, 4 năm sau khi NHĐD thành lập. Năm 1879 cũng là năm thực dân Pháp cho rằng, tình hình đã tương đối ổn định nên chính quyền Nam Kỳ được chuyển giao từ các đô đốc Hải quân cho đến các thống đốc.

     Lúc đó vì chưa chiếm được toàn bộ Việt Nam nên ở phần tiếng Pháp, đồng tiền chỉ ghi là Nam Kỳ thuộc Pháp, song phần tiếng Hán, thực dân Pháp lại ghi là An Nam thuộc Pháp. Như vậy, đối với người phương Tây không biết chữ Hán thì dòng chữ Pháp thể hiện đầy đủ “chủ quyền” của thực dân Pháp ở vùng đất này, còn đối với Việt Nam thì dòng chữ Hán thể hiện dã tâm và cuồng vọng của chúng đối với toàn bộ lãnh thổ Việt Nam – một cuồng vọng mà lẽ ra ở thời điểm 1879 khi những đồng tiền này phát hành, vua quan nhà Nguyễn phải dự cảm được điều đó, còn đối với chính quyền Mãn Thanh, thì dòng chữ trên có lẽ là một sự “dằn mặt’?

     Mặt khác, qua dòng chữ Hán nói trên, ta thấy, quốc hiệu Đại Nam của Minh Mạng từ 1838 bị vứt bỏ, thực dân Pháp đã sử dụng lại chữ An Nam – chữ mà phong kiến Trung Hoa đã dùng để gọi nước ta khi còn là quận huyện của họ. Điều đó càng bộc lộ rõ hơn ý đồ xâm chiếm toàn bộ Việt Nam của thực dân.

     * Đồng tiền “Nam Kỳ thuộc Pháp” nói trên có giá trị 2. Theo chúng tôi, đây là đồng 2 xu, trị giá 2 đồng kẽm tiền nhà Nguyễn. Có lẽ cũng trong năm này, thực dân Pháp bắt đầu cho đổi tiền nhà Nguyễn lấy tiền mới? Từ đây, tiền NHĐD là đồng tiền chính sử dụng ở Nam Kỳ, rồi sau đó được sử dụng trên toàn cõi Việt Nam khi được thực dân Pháp đặt dấu “chấm hết” chủ quyền của triều đình Huế vào năm 1883. Tất nhiên chữ COCHINCHINE phải thay thế bằng chữ INDOCHINE như chúng ta thấy trên các đồng tiền sau này.

Hình ảnh mặt trước sau đồng tiền Đông Dương 1901

     - Về ký hiệu chữ A trên dòng niên đại, chúng tôi cho rằng, đây là tên viết tắt của nơi sản suất ra đồng tiền này (có thể là ở Pháp). Tuy nhiên, chúng tôi chưa tìm ra địa điểm này. Hiện nay BTLSVN – TP.HCM còn lưu giữ một số tiêu bản tiền năm 1901 có hình thức giống như tiêu bản 1879, có nghĩa là cũng hình tròn lỗ vuông, chữ A trên dòng niên đại và kích thước bằng nhau, chỉ khác là chữ COCHINCHINE được thay thế bằng INDOCHINE.

     - Điều đáng chú ý là hình dáng tròn, lỗ vuông cua tiền thời Nguyễn đã được thực dân Pháp sử dụng lại cho đồng tiền đúc 1879. Việc bảo lưu hình thức này (tuy kích thước nhỏ hơn) chính là việc thực hiện một kiểu tâm lý mị dân của thực dân Pháp nhăm tạo điều kiện cho nhân dân thuận lợi hơn trong việc nhận dạng tiền cũ và tiền mới. Đồng thời, so sánh kỹ thuật và mỹ thuật của 2 loại tiền để thấy được rằng đồng tiền của nhà nước Đại Pháp đẹp hơn, tốt hơn..Việc bảo lưu hình thức này kéo dài đến tận đầu thế kỉ 20 (tiêu bản tiền 1901 đã giới thiệu ở trên). Tuy nhiên, việc cải cách vẫn là cần thiết, nên những năm sau đó, đồng tiền tròn, lỗ tròn đã xuất hiện và cuối cùng là đồng tiền tròn không lỗ ra đời.

     - Về kỹ thuật: đồng tiền 2 xu phát hành năm 1879 là đồng tiền được dập hàng loạt bằng máy nên rất tinh xảo, chữ khắc tuy nhỏ nhưng rõ ràng, chân phương. Chất liệu đồng đỏ tốt nên ít mòn khi sử dụng. Mặc dù vậy, những đồng tiền này vẫn bị lỗi kỹ thuật, biểu hiện ở chỗ, mặt tiền và lưng tiền thường hay bị lộn ngược đầu.

     Tóm lại, đồng tiền phát hành năm 1879 có thể là đồng tiên fđầu tiên đánh dấu giai đoạn mới trong công cuộc cai trị của thực dân Pháp ở Nam Kỳ. Lúc này, quyền kiểm soát Nam Kỳ đã vĩnh viễn “tuột” khỏi tay triều đình Huế. Còn nhân dân Nam Kỳ dưới sự lãnh đạo của các sĩ phu và nông dân yêu nước đang tiếp tục đấu tranh trong hoàn cảnh mới, vừa chống lại ách cai trị hà khắc, vừa tiếp thu chọn lọc nền văn minh Âu Tây. Đồng tiền mới của thực dân Pháp vì thế đã bị tẩy chay và ít được người dân sử dụng.

 

-  Trịnh Thị Hòa  -

Share :