Các hiệu tiền cổ Việt Nam (Phần 1)

17/06/2017
Bài liên quanCác hiệu tiền cổ Việt Nam (Phần 2)
                        Các hiệu tiền cổ Việt Nam (Phần 3)

     Thời nhà Hồ, tuy phát hành tiền giấy Thông bảo hội sao và đổi thu hồi tiền kim loại về, song có thể Hồ Quý Ly cũng cho phát hành một lượng nhất định tiền kim loại mang niên hiệu Thánh Nguyên (1400-1401) của mình.

     Khảo cổ học đã phát hiện được ở Việt Nam nhiều đồng tiền kim loại Thánh Nguyên thông. Theo Đỗ Văn Ninh, trong các vua Trung Quốc và Việt Nam, chỉ có Hồ Quý Ly có niên hiệu Thánh Nguyên.Thánh Nguyên thông bảo (1400-1401)

     Tiền kim loại Thánh Nguyên thông bảo có hình tròn, lỗ vuông, kích thước nhỏ (đường kính từ 19 đến 20 mm), mỏng. Mặt trước có bốn chữ Thánh Nguyên thông bảo đọc chéo từ trên xuống và từ phải qua trái, gờ viền mép và lỗ rõ ràng. Nhưng mặt sau lại để trơn và không có gờ và viền mép hay lỗ.

     Một trong các mục đích phát hành tiền kim loại Thánh Nguyên thông bảo là để quảng bá niên hiệu Thánh Nguyên của vua mới.

Tiền nhà Hậu Lê

Thuận Thiên thông bảo (1428-1433), Thuận Thiên nguyên bảo

     Sau khi đánh bại hoàn toàn quân Minh xâm lược, chẳng cần đợi nhà Minh công nhận, ngày 15 tháng 4 năm 1428, Lê Lợi xưng vua và lấy niên hiệu là Thuận Thiên; một tháng sau thì cho đúc tiền kim loại Thuận Thiên thông bảo bằng đồng mà không tiếp tục chính sách sử dụng tiền giấy của nhà Hồ. Đó là theo Đại Việt sử ký toàn thư. Còn theo phát hiện của khảo cổ học, thì tên tiền kim loại đó có lẽ là Thuận Thiên nguyên bảo. Hiện các nhà nghiên cứu còn chưa có kết luận được là sử chép sai "nguyên" thành "thông" hay Lê Lợi cho đúc hai loại nhưng hiện mới chỉ phát hiện di chỉ loại Thuận Thiên nguyên bảo.

     Thuận Thiên nguyên bảo có kích thước to hơn, dày hơn và được đánh giá là đẹp hơn các đồng tiền kim loại của các thời trước ở Việt Nam. Đường kính tiền là 25 mm, dày dặn. Mặt trước đúc nổi bốn chữ Hán là Thuận Thiên nguyên bảo với nét viết chân phương. Mặt sau không có chữ hay hình gì, viền mép và gờ viền lỗ rõ ràng và đều đặn.

Các hiệu tiền cổ Việt Nam

     Thuận Thiên thông bảo có ba đơn vị đếm là đồng, tiền và quan. Đại Việt sử ký toàn thư cho biết 1 tiền bằng 50 đồng.

 

Thiệu Bình thông bảo (1434-1439)

     Đây là tiền kim loại do Lê Thái Tông cho đúc khi lên ngôi năm 1434 và đặt niên hiệu là Thiệu Bình (1434-1439). Về kiểu dáng, Thiệu Bình thông bảo căn bản giống Thuận Thiên nguyên bảo. Ban đầu, 1 tiền bằng 50 đồng như theo quy định của đời vua trước, nhưng từ năm 1439 thì định lại 1 tiền bằng 60 đồng.

Các hiệu tiền cổ Việt Nam

 
Đại Bình thông bảo

Sử không nhắc đến tiền này, nhưng Lacroix công bố mẫu của nó và do vua Việt Nam và vua Trung Quốc không còn ai đặt niên hiệu là Đại Bình nữa, nên Đỗ Văn Ninh cho rằng đó là tiền do Lê Thái Tông cho đúc và đặt tên theo niên hiệu thứ hai của ông, Đại Bình (1440-1442). Như vậy, dưới triều vua Lê Thái Tông của Việt Nam đã lần lượt có hai tiền kim loại là Thiệu Bình thông bảo và Đại Bình thông bảo.

 
Thái Hòa thông bảo

Đây là tiền kim loại do Lê Nhân Tông cho đúc và đặt tên theo niên hiệu Thái Hòa (1443-1453) của mình. Kiểu dáng và kích thước tiền này giống tiền của các vua Lê đời trước. Tuy nhiên, Lacroix đã công bố một mẫu tiền Thái Hòa thông bảo có kích thước nhỏ và lưng tiền không có gờ viền. Ngoài ra, ông này còn công bố một mẫu tiền ghi là Đại Hòa thông bảo. Đỗ Văn Ninh cho rằng có thể viết là Đại song vẫn đọc là Thái.

 
Diên Ninh thông bảo

Tiền kim loại bằng đồng do Lê Nhân Tông cho đúc khi đổi niên hiệu thành Diên Ninh. Tiền này được khảo cổ học phát hiện nhiều. Kiểu dáng và kích thước to đẹp giống như tiền của các đời vua Lê trước.

Các hiệu tiền cổ Việt Nam
 
Thiên Hưng thông bảo

Tiền kim loại do Lê Nghi Dân cho đúc và đặt tên theo niên hiệu Thiên Hưng của mình. Sử không nhắc đến việc ông vua này cho đúc tiền, song Lacroix có phát hiện và công bố. Lê Nghi Dân ở ngôi một năm, nên Thiên Hưng thông bảo có thể cũng chỉ được lưu hành không quá một năm.

Các hiệu tiền cổ Việt Nam

 
Quang Thuận thông bảo

     Là tiền do Lê Thánh Tông cho đúc. Di chỉ tiền này được phát hiện khá nhiều. Quang Thuận thông bảo được Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí khen là đẹp vào loại nhất trong các tiền kim loại Việt Nam mà ông biết. Không rõ tiền được bắt đầu phát hành từ năm nào, song niên hiệu Quang Thuận của Lê Thánh Tông bắt đầu từ năm 1460, kết thúc vào năm 1469.

Các hiệu tiền cổ Việt Nam

 
Hồng Đức thông bảo

     Cũng là tiền do Lê Thánh Tông phát hành từ năm 1470 đến năm 1497 theo niên hiệu thứ hai của mình.

Các hiệu tiền cổ Việt Nam
 
Cảnh Thống thông bảo

     Cảnh Thống là niên hiệu duy nhất của Lê Hiến Tông kéo dài khoảng 6 năm. Sử không ghi về việc ông vua này cho đúc tiền, song khảo cổ học tìm ra nhiều di chỉ tiền Cảnh Thống thông bảo. Về kiểu dáng thì giống tiền của các vua Lê đời trước, song trọng lượng thì lớn hơn.

 
Đoan Khánh thông bảo

     Đoan Khánh thông bảo là tiền kim loại do Lê Uy Mục cho đúc. Niên hiệu Đoan Khánh của ông vua này kéo dài từ năm 1505 đến năm 1509.

Các hiệu tiền cổ Việt Nam
 
Hồng Thuận thông bảo

     Đây là tiền kim loại do Lê Tương Dực (ở ngôi từ năm 1509 đến năm 1516 có một niên hiệu duy nhất là Hồng Thuận). Kích thước và kiểu dáng như các tiền trước đây của nhà Lê.

Các hiệu tiền cổ Việt Nam

 
Quang Thiệu thông bảo

     Đây là tiền do Lê Chiêu Tông cho đúc. Ông vua này chỉ có một niên hiệu là Quang Thiệu từ năm 1516 đến năm 1522. Hình thức cơ bản giống các tiền nhà Lê trước đó nhưng xấu hơn, kích thước bé hơn, nhẹ hơn.

 
Thống Nguyên thông bảo

     Thống Nguyên thông bảo do Lê Cung Hoàng (lấy niên hiệu Thống Nguyên) phát hành. Tiền này đẹp hơn Quang Thiệu thông bảo nhưng vẫn chưa bằng được các tiền nhà Lê trước đó.

 
Nguyên Hòa thông bảo

     Đây là tiền bằng đồng mang niên hiệu Nguyên Hòa (1533-1548) của Lê Trang Tông, vị vua đầu tiên của thời Lê Trung Hưng. Tiền này có kích thước nhỏ, được đúc cẩn thận. Mặt trước có chữ Nguyên Hòa thông bảo đọc chéo. Mặt sau có viền gờ mép và lỗ, song không có chữ hay hình gì. Nguyên Hòa thông bảo có nhiều loại, trong đó có loại chỉ có hai chữ Nguyên Hòa viết theo lối chữ triện và có loại thì lại có ba chữ Nguyên Hòa và bảo viết theo lối chữ triện.

Các hiệu tiền cổ Việt Nam
 
Vĩnh Thọ thông bảo

     Vĩnh Thọ là niên hiệu của Lê Thần Tông. Tiền Vĩnh Thọ thông bảo đúc bằng đồng, đường kính chừng 23 mm.

Các hiệu tiền cổ Việt Nam
 
Vĩnh Trị nguyên bảo, Vĩnh Trị thông bảo

     Là các tiền do Lê Hy Tông phát hành (thực tế có thể là do chúa Trịnh phát hành vì quyền hành mọi mặt trong thực tế thuộc về phủ chúa) mang niên hiệu đầu tiên của ông. Cả hai loại đều bằng đồng, đúc cẩn thận, đường kính chừng 23 mm.

Các hiệu tiền cổ Việt Nam
 
Chính Hòa thông bảo

     Tiền đặt theo niên hiệu thứ hai của Lê Hy Tông. Chữ “Chính” viết là正, dễ nhầm với Chính Hòa thông bảo của nhà Tống cũng thấy xuất hiện ở Việt Nam với chữ Chính viết là 政.

Các hiệu tiền cổ Việt Nam
 
Tiền Cảnh Hưng

     Tiền Cảnh Hưng có rất nhiều loại và đều bằng kim loại. Đỗ Văn Ninh đã đề cập đến 40 loại tiền Cảnh Hưng và nhà nghiên cứu này cũng cho biết có người đã liệt kê ra được đến 80 loại tiền Cảnh Hưng. Sở dĩ có nhiều loại như vậy là vì thời Cảnh Hưng (niên hiệu của Lê Hiển Tông), không chỉ chính quyền trung ương mà cả các chính quyền địa phương (ở các trấn) cũng tham gia đúc tiền, và có cả đúc trộm. Các tiền Cảnh Hưng không chỉ có kích thước khác nhau, chất lượng kim loại khác nhau mà cả các chữ ghi trên đó cũng khác nhau. Nguyên nhân khác nhau vừa là do những thay đổi trong thiết kế đồng tiền, vừa là đúc sai quy cách.

     Khảo cổ học tìm ra rất nhiều di chỉ tiền Cảnh Hưng cho thấy thời này tiền được phát hành rất nhiều. Nguyên nhân của việc phát hành nhiều như vậy hiện chưa rõ. Đỗ Văn Ninh cho rằng:

  • Thời này kinh tế khó khăn nên thuế má thu của dân không được mấy mà chính quyền lại có nhu cầu chi tiêu rất lớn cho ăn chơi (thời Lê Hiển Tông cũng là thời các chúa Trịnh Giang, Trịnh Doanh, Trịnh Sâm nổi tiếng về ăn chơi), cho đàn áp các cuộc khởi nghĩa (các khởi nghĩa của Nguyễn Hữu Cầu, Nguyễn Danh Phương, Lê Duy Mật, Hoàng Công Chất, ...) ... Chính quyền đã lợi dụng đặc quyền phát hành tiền để đúc tiền phục vụ nhu cầu tiêu dùng của mình. (Xem thêm bài thuộc chủ đề kinh tế học: Đặc lợi phát hành tiền.)
  • Nhu cầu sử dụng tiền mặt lớn cùng với sự phát triển của nền kinh tế hàng hóa để buôn bán, đóng thuế, mua chức tước, biếu xén, hỏi vợ (Ca dao có câu: Mẹ em tham thúng xôi rền/Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh Hưng), ...
  • Việc các trấn được phép đúc tiền đã đem lại cho họ mối lợi lớn. Nó khuyến khích họ phát hành tràn lan.

Dựa vào phát hiện khảo cổ học, tiền Cảnh Hưng chắc chắn có các loại sau: Cảnh Hưng thông bảo, Cảnh Hưng trung bảo, Cảnh Hưng chí bảo, Cảnh Hưng vĩnh bảo, Cảnh Hưng đại bảo, Cảnh Hưng thái bảo, Cảnh Hưng cự bảo, Cảnh Hưng trọng bảo, Cảnh Hưng tuyền bảo, Cảnh Hưng thuận bảo, Cảnh Hưng chính bảo, Cảnh Hưng nội bảo, Cảnh Hưng dụng bảo, Cảnh Hưng lai bảo, Cảnh Hưng thận bảo, Cảnh Hưng, Cảnh Hưng thọ trường.

Cảnh Hưng thông bảo là loại phổ biến nhất, nhưng loại này lại có nhiều loại phụ với thiết kế khác nhau và chữ ghi trên tiền ở mặt sau cũng khác nhau.

 
Chiêu Thống thông bảo

     Chiêu Thống là niên hiệu duy nhất của Lê Mẫn Đế, ông vua nhà Hậu Lê ở ngôi 3 năm. Khảo cổ học cho thấy tiền kim loại Chiêu Thống thông bảo có nhiều loạt khác nhau. Thêm vào đó, mỗi loạt đều được đúc nhiều lần, mỗi lần kích thước lại khác nhau một chút. Chiếu Thống thông bảo được phát hành dưới thời Lê Mẫn Đế, nhưng ai phát hành thì không rõ vì có quá nhiều loạt và nhiều kích cỡ. Lưu ý là thời Lê Mẫn Đế (Chiêu Thống), lúc đầu thì có thế lực của nhà Trịnh (chúa Trịnh Bồng), lúc sau thì có thế lực của nhà Tây Sơn, trung ương cũng đã không kiểm soát được các địa phương.

     Các loạt đều có bốn chữ Chiêu Thống thông bảo đúc nổi và được đọc chéo. Nhưng có một loạt thì chữ Thống viết là 綂, các loạt khác chữ Thống đều viết là 統. Không rõ loạt chữ Thống viết là 綂 có phải là tiền do chính quyền đúc hay không.

     Loạt có chữ Thống viết là 綂 thì mặt sau để trơn, chỉ có viền gờ mép và lỗ. Các loạt khác, loạt thì mặt sau có chữ Nhất (-) phía trên lỗ vuông, loạt thì có một nét sổ dọc trên lỗ, loạt thì có một vành trăng khuyết bên phải và một chấm tròn bên trái lô, loạt thì có hình bốn vành trăng khuyết xếp vòng tròn quanh lỗ, loạt thì có chữ Chính (正) hoặc chữ Chính và cả một chấm tròn, lại có loạt thì có một chữ Sơn (山), loạt lại có hai chữ Sơn Nam, loạt thì có một chữ Trung (中), và có cả loạt có chữ Đại (大). Theo Đỗ Văn Ninh, thì chữ Chính chỉ kinh thành, chữ Sơn chỉ Sơn Tây, chữ Trung chỉ Trung đô phủ, chữ Đại chỉ Thanh Hóa.

Các hiệu tiền cổ Việt Nam

Share :