Người thầy dạy Văn với thú sưu tầm tiền cổ

26/06/2017

      Là thầy giáo dạy Văn của Trường THPT Đức Phổ, nhưng ông Phạm Văn Thành (55 tuổi) ở Sa Huỳnh, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) lại là người sưu tầm rất nhiều đồng tiền xu cổ. Có lẽ ở Quảng Ngãi chưa ai công phu nghiên cứu, sưu tầm tiền cổ và sắp xếp trưng bày hệ thống được như vậy.

 

     Ngồi bên tủ tiền xưa trưng bày nổi bật tại phòng khách của tư gia, thầy Thành vui vẻ cho chúng tôi biết: Trong tủ tiền xưa hiện có, bộ sưu tập tiền cổ Việt Nam là quý hiếm nhất. Trong đó bao gồm các đồng tiền xu cổ đầu tiên của Việt Nam từ thời Đinh Tiên Hoàng, hiệu là “Thái Bình Hưng Bảo” vào khoảng đầu thế kỷ X.

 

Tủ tiền xưa trưng bày của thầy giáo Phạm Văn Thành tại tư gia

     Rồi ông say sưa giới thiệu bộ sưu tập tiền cổ, từ thời Lê, Lý, Trần… cho đến thời  chúa Nguyễn, rồi tiền của các vua triều Nguyễn từ thời Gia Long cho đến vị vua cuối cùng là Bảo Đại với tiền “Bảo đại thông bảo”.

     Ngoài ra, thầy giáo Thành còn có các đồng tiền của Liên bang Đông Dương dùng tại Việt Nam vào thời kỳ đầu của thế kỷ XX, tương đương với 5 vị vua cuối cùng của triều Nguyễn là Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định, Bảo Đại. Trong đó có đồng “Bách phân chi nhất” là tiền do Pháp đúc tại Hà Nội dùng cho 3 nước Lào-Campuchia và Việt Nam, gọi là “đồng bạc thời loạn” do có sự cạnh tranh gay gắt giữa tiền triều Nguyễn và tiền Pháp dùng tại khu vực Đông Dương. Vào thời đó, 1 đồng “Bách phân chi nhất” bằng 15-20 đồng tiền triều Nguyễn, nay loại tiền này hiếm thấy mà thầy Thành vẫn có được.

     Ngoài tiền cổ Việt Nam, thầy Thành còn sưu tập tiền cổ nước ngoài. Phong phú nhất là tiền cổ Trung Quốc gồm đủ các triều đại phong kiến Trung Quốc từ các thời Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh cho đến các loại tiền Trung Hoa dân quốc lưu hành vào khoảng đầu thế kỷ XX. Trong đó xưa nhất là tiền đồng thời Hán, cách nay khoảng trên dưới 2.000 năm. Vào thời kỳ này chỉ lưu hành có 3 loại tiền “Ngũ Thù”, “Ngũ Thập” và “Đại tuyền thông bảo” dùng trong suốt thời đại nhà Hán khoảng trên 400 năm, hiện thầy Thành đã sưu tập đủ.

     Để có được bộ sưu tập tiền cổ phong phú và quý hiếm như vậy, thầy Thành đã tốn rất nhiều công phu nghiên cứu, sưu tầm từ nhiều nguồn. Ông đã lặn lội đến các vựa bán phế liệu và những người chơi cổ vật hoặc giao lưu, trao đổi qua lại với giới sưu tầm tiền cổ trong và ngoài tỉnh để sưu tập những đồng tiền mình đang cần. Có lần, thầy đã từng đổi 100 đồng tiền thời Bắc Tống để lấy 3 đồng tiền nhà Hán. Nhưng khó kiếm nhất vẫn là những đồng tiền cổ đầu tiên của Việt Nam, có lúc thầy phải đổi cả tháng lương để mua vài đồng tiền cổ loại này.

     Thầy Thành cho biết thêm: Vốn có lợi thế nhờ thời sinh viên được học qua môn Hán-Nôm, sau này bị thôi thúc bởi tính hấp dẫn của những đồng tiền cổ nên thầy đã quyết định chuyển hẳn sang sưu tầm và nghiên cứu tiền cổ. Thầy tâm sự: Tôi yêu thích tiền cổ là vì qua tiền cổ tìm hiểu được giá trị lịch sử của nước nhà qua các triều đại. Việc nghiên cứu tiền cổ cũng mở rộng được kiến thức trên các lĩnh vực kinh tế-văn hóa-xã hội thời đó thông qua con đường giao thương tiền tệ và kỹ thuật đúc đồng của cha ông trước đây. Chơi tiền cổ còn thật sự hữu ích đối với thầy trong việc củng cố thêm vốn hiểu biết về chữ Hán qua việc đọc tên các đồng tiền cổ, để rồi từ đó truyền đạt lại cho học sinh của mình nhiều kiến thức bổ ích qua việc dạy môn Văn mà thầy đã nguyện gắn bó suốt đời.

 

Share :

Bình luận

  • avatar

    phamquocbieu
    minh co nhung dong tien xu nay khong biet co giup dc gi k a

Viết bình luận của bạn